Cơ giới hóa nông nghiệp đang chững lại
09:51 - 30/11/2016
Đó là nhận xét của ông Ngô Ngọc Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội tại hội nghị tổng kết đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp TP.Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến 2020, do Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vừa tổ chức.
Nông dân xã Liên Mạc, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội sử dụng máy móc phục vụ sản xuất.


Tiên phong cơ giới hóa

Năm 2013, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4192/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp TP.Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”. Đề án nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các loại nông sản...

 

Sở NNPTNT Hà Nội đề nghị UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ người dân mua máy móc thiết bị. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ trực tiếp 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy, thiết bị.

 

 

Sau hơn 3 năm triển khai đề án, đến nay toàn thành phố có 5.669 máy làm đất, tăng 932 máy so với trước năm 2013; 272 máy cấy, tăng 268 máy; 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, tăng 470 máy; 872 máy gặt đập liên hợp, tăng 475 máy.

Bà Vũ Thị Hương-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng: Hiệu quả tích cực nhất trong việc thực hiện đề án cơ giới hóa là đã làm thay đổi đáng kể nhận thức, tập quán canh tác của người nông dân, từ cách nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Điều đó thể hiện qua con số tính toán rất cụ thể, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10-15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,15-1,2 lần so với lao động thủ công.

Huyện Phúc Thọ hiện có trên 500 máy làm đất, 40 máy gieo hạt, 40 máy gặt đập liên hợp… được đánh giá là địa phương áp dụng tốt việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, nhờ đó chi phí cho khâu sản xuất giảm đáng kể. So với phương pháp cấy truyền thống, phương pháp cấy máy cho nông dân hiệu quả kinh tế cao hơn 6-7 triệu đồng/ha... Tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, qua 2 vụ gần đây, nhờ ứng dụng máy móc sản xuất từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân rất rõ rệt. Ông Vũ Đình Hải-Phó Chủ tịch xã chia sẻ, chỉ tính riêng chi phí cho các khâu dịch vụ, người nông dân giảm được 28%, tiết kiệm 180.000 đồng/sào so với thực hiện dịch vụ kiểu truyền thống.

Chính sách chưa sát thực tế

Đến nay Hà Nội chưa đạt được một số chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra như tỉ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu cây, phun thuốc trừ sâu, vắt sữa, hệ thống làm mát chuồng trại và cho ăn bán tự động trong chăn nuôi... Đánh giá chung về mức độ cơ giới hóa nông nghiệp, Hà Nội còn thấp so với cả nước và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trình độ cơ giới hóa nông nghiệp chưa mang tính đồng bộ mà còn rời rạc từng khâu. Nguyên nhân chủ yếu là nông nghiệp nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, tính hàng hóa thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn.

Ông Ngô Đại Ngọc cho biết, hơn một năm trở lại đây, việc cơ giới hóa trên địa bàn Hà Nội bị chững lại, diễn ra cầm chừng và không phát triển mạnh mẽ như trước nữa. Cơ giới hóa mới tập trung vào trồng lúa mà chú trọng áp dụng vào chăn nuôi, trồng hoa, rau màu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chính sách thúc đẩy cơ giới hóa của T.Ư cũng như thành phố chưa sát với thực tế phát triển của các địa phương và sản xuất nông nghiệp nên người dân chưa mặn mà tiếp nhận.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, nâng tỉ lệ cơ giới hoá trong khâu làm đất lên trên 95%, khâu cấy lên 40%, gặt đập lên 60%; khâu thái cỏ lên 90%, khâu vắt sữa lên 90%, làm mát chuồng trại lợn, gà 30%, Hà Nội phải thực hiện nhiều giải pháp như quy hoạch đồng ruộng, hình thành vùng chuyên canh tập trung, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng…

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo