Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2017, giá đường có thể tăng nhẹ trong khi mặt hàng gạo, thực phẩm, rau quả sẽ đảm bảo nguồn cung. Bộ cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, không để tình trạng khan hàng, sốt giá.
|
Dự báo, nguồn cung rau - củ - quả, thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ đảm bảo đủ |
Nhiều mặt hàng không biến động về giá
Đánh giá cung cầu những mặt hàng thiết yếu cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản- Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Đối với mặt hàng gạo, dự kiến tổng sản lượng lúa (thóc) cả năm 2016 khoảng 44,207 triệu tấn. Sau khi trừ tiêu dùng nội địa trong năm 2016 khoảng 28,26 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ cả năm 16 triệu tấn tương đương gần 8 triệu tấn gạo. Tồn kho gạo của các doanh nghiệp tính đến 31/10 là 1.191.019 tấn. Với nguồn cung gạo ở trên hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2017. Nếu làm tốt công tác bình ổn giá, sẽ không có biến động về giá lương thực.
Đối với mặt hàng thực phẩm, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, năm 2016, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2016 dự kiến sẽ đạt khoảng 5,039 triệu tấn, tăng khoảng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,638 triệu tấn, thịt gia cầm 980.000 tấn, thịt trâu, bò ước đạt 421.000 tấn… Hiện, nguồn cung sản phẩm thịt dồi dào, nhất là thịt lợn đang rất lớn do việc đầu tư, tăng đàn mạnh mẽ của người chăn nuôi thời điểm quý II, III. Việc thiên tai, mưa lũ đã diễn ra tại các khu vực miền Trung tuy gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung sản phẩm và thị trường tiêu thụ cuối năm cũng như dịp lễ, Tết 2017 sắp tới.
Về mặt hàng rau - củ, diện tích rau năm 2016 dự kiến đạt khoảng 890.000ha, tăng 3,4% so với năm 2015, năng suất dự kiến 177 tạ/ha, sản lượng dự kiến 15,75 triệu tấn. Giá rau xanh có xu hướng tăng từ cuối tháng 10 đến nay do thời điểm bắt đầu vào vụ đông, mưa lớn tại miền Trung kéo dài, gây ngập úng nhiều diện tích rau màu. Nhiều vùng trồng rau bị hư hại nặng, ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá rau xanh tăng mạnh từ 20- 50% so với tháng trước. Riêng tại miền Bắc, giá các loại rau - củ - quả tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu không có biến động lớn về thời tiết khí hậu thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp cuối năm 2016.
Trong khi các mặt hàng thiết yếu được đánh giá đáp ứng đủ yêu cầu thì mặt hàng đường dự kiến có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, năm 2016, tổng cung ước đạt 1.728.407 tấn, tồn kho là 178.970 tấn (năm 2015 chuyển sang) và nhập khẩu là 215.000 tấn. Tổng cầu khoảng 1.444.918 tấn. Sau khi trừ đi lượng tiêu thụ còn dư 283.490 tấn để gối vụ. Dự báo, hiện nay, đã bắt đầu vào vụ mới, tuy nhiên, các nhà máy vào vụ muộn hơn. Đến cuối tháng 10, chỉ có 4 nhà máy vào vụ 2016/2017. Nguyên nhân do lũ về muộn, không phải thu hoạch mía chưa chín để chạy lũ. Sản lượng đường tháng 11 ước đạt 60.000 tấn. Giá đường có khả năng có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu cao sản xuất bánh kẹo, đồ uống… phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới.
Đảm bảo đủ nguồn cung
Theo ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung, có chất lượng phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Theo đó, Bộ yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo các địa phương chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo đủ nước và phân bón kịp thời để lúa sinh trưởng tốt, có kế hoạch chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu vụ xuân. Về rau củ, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả vật tư đầu vào và chất lượng rau trên thị trường…
Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cần sớm đề xuất hệ thống tổ chức giám sát việc sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả; chỉ đạo Chi cục BVTV các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi và từng bước hình thành các chuỗi sản xuất kinh doanh rau an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm nhất là rau quả nhập khẩu.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khôi phục đàn vật nuôi sau thiên tai; tổ chức đoàn công tác đến làm việc tại địa phương; chỉ đạo chuẩn bị tốt công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân 2016 - 2017; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tăng cường kiểm soát nhập lậu gia súc. Đồng thời, triển khai giải pháp bình ổn giá cả thị trường, vừa tránh tăng giá đột ngột ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, nhưng vẫn khuyến khích được sản xuất trong nước. Cục Thú y chỉ đạo hệ thống thú y có biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm; chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản; tổ chức trực ban trong dịp Tết để chỉ đạo công tác phòng chống dịch và xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, triệt phá tận gốc đường dây buôn bán chất cấm, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hàng không rõ nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Cục Chế biến Nông - lâm - thủy sản và Nghề muối phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất cung cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết để có biện pháp can thiệt kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, có kế hoạch theo dõi sát giá đường do nhu cầu sử dụng đường cao phục vụ sản xuất chế biến bánh kẹo trong dịp Tết sắp tới trong bối cảnh mùa vụ đường năm nay chậm hơn. Tích cực chỉ đạo các nhà máy sản xuất đường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn được trực tiếp tiếp cận nguồn hàng tại các nhà máy, tránh mua qua trung gian, đẩy giá đường lên cao.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cần công bố công khai số lượng các mặt hàng thiết yếu đã chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như hệ thống cung ứng, phân phối của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thực hiện bình ổn thị trường để dân không bị tâm lý sợ hết hàng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát giá, niêm yết giá theo đúng pháp luật về giá, ngăn chặn việc tăng giá đột biến ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.