Phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng
16:08 - 30/11/2016
(TNNN) - Trong những năm gần đây, số lượng đàn bò sữa của nước ta đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Hiện tổng đàn bò của cả nước có 275.300 con, với sản lượng sữa đạt hơn 700 ngàn tấn. Tính trung bình, sản lượng sữa đạt ở mức 4.000- 4.500kg/chu kỳ/con, con số này hiện tương đương hoặc cao hơn nhiều so với một số quốc gia khác trong cùng khu vực.
Ngành chăn nuôi bò sữa sẽ là hướng phát triển tất yếu do nhu cầu sử dụng sữa ngày càng tăng của người tiêu dùng


 
Mặc dù hiện nay nước ta đã có nhiều nhà máy chế biến sữa được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như: Vinamilk, TH true milk, Mộc Châu milk, Sữa quốc tế IDP… Tuy nhiên, ngành chăn nuôi bò sữa cũng mới chỉ đáp ứng được có 43% nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước.

 
Lâm Đồng là địa phương có nhiều ưu thế để phát triển nhanh các giống gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê… Riêng đối với con bò, trong những năm gần đây, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cũng như chính quyền các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ nông dân để triển khai các chương trình chăn nuôi lớn như: Chương trình Sind hóa đàn bò vàng và chương trình phát triển giống bò sữa.


 
Nhờ phát huy được thế mạnh tự nhiên của địa phương, đồng thời giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm (sữa tươi, bê con giống), đàn bò sữa của tỉnh đã không ngừng tăng trưởng cả về tổng đàn lẫn sản lượng sữa, với những mô hình chăn nuôi mới. Đến nay, Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An về sản lượng sữa và đầu bò. Vị trí này đã vượt lên trên cả Hà Nội và Sơn La, những địa phương vốn có ngành nghề nuôi bò sữa truyền thống.

 
Lâm Đồng có được sự chuyển biến vượt bậc như trên trước hết là nhờ vào những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và khí hậu thích hợp cho sự phát triển của đàn bò sữa như có nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, dồi dào. Ngoài ra, việc gieo trồng các loại nguyên liệu được dùng làm thức ăn cho bò (cỏ, ngô, rau) cũng hết sức thuận lợi…


 
Mặt khác, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sữa. Trong đó, đáng kể nhất là việc ký kết văn bản thỏa thuận khung về hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020 giữa tỉnh Lâm Đồng với Công ty Vinamilk. Theo đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng từ 2- 3 trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 10.000 con. Còn về phía Vinamilk cũng đã cam kết cùng với việc triển khai các cơ sở chế biến, đông lạnh, tiệt trùng, cung cấp giống bò sữa chất lượng cao... đơn vị này sẽ đảm bảo thu mua khoảng 90% sữa nguyên liệu cho nông dân địa phương.
 

 
Bên cạnh một số doanh nghiệp và trang trại đang tổ chức chăn nuôi theo quy mô lớn, từ hàng trăm tới hàng ngàn con bò như: Công ty Vinamilk, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt, Công ty TNHH Bò sữa Lâm Đồng… Hiện nay, lượng đàn bò chủ yếu vẫn được nuôi trong dân với quy mô trung bình khoảng 6- 7 đầu bò/hộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số hộ có 5- 6 đầu bò trở xuống giảm dần, thay vào đó quy mô từ 10- 15 đầu bò/hộ tăng lên. Toàn tỉnh đang có khoảng 572 hộ chăn nuôi bò sữa có quy mô từ 10 con/hộ trở lên.

 
Những địa phương có số bò lớn tập trung tại các huyện như: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Diện tích trồng cỏ toàn tỉnh cũng đạt khoảng 2.610 ha, chuyên phục vụ cho ngành chăn nuôi bò sữa và bò thịt.

 
Mặc dù con bò sữa mang lại thu nhập tốt cho người chăn nuôi nhưng đồng thời, nó cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là những vấn đề về nguồn cung cấp giống phải đảm bảo được chất lượng; vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác bò sữa ra sao; tiêu thụ sản phẩm sữa cho nông dân thế nào… Làm sao để nghề chăn nuôi bò sữa phát triển một cách bền vững. Đây là câu hỏi được cả nông dân, các chuyên gia nông nghiệp và những nhà quản lý đang còn nhiều băn khoăn, trăn trở. 

 
Đồng hành cùng người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cùng với chính quyền và Hội Nông dân các địa phương có phong trào chăn nuôi bò sữa đã xúc tiến thành lập các HTX, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa. Theo ngành chức năng cho biết, tại địa phương có 2 mô hình liên minh chăn nuôi bò sữa được tham gia dự án “Cạnh tranh nông nghiệp” do Ngân hàng Thế giới tài trợ.


 
Đến nay, 65 nông hộ của Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt (huyện Đơn Dương); 94 nông hộ của THT chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng); doanh nghiệp tham gia liên minh sản xuất là Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đều cho thấy những kết quả tốt đẹp khi đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể: Đàn bò sữa của THT Cầu Sắt tăng từ 191 lên 298 con, của THT Hiệp Thạnh tăng từ 432 lên 724 con; ngoài ra, cả năng suất và giá sữa đều tăng… lợi nhuận của HTX nhờ đó tăng gấp nhiều lần; lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng đều, từ 62% trở lên.

 
Được sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp tìm đến và tổ chức các điểm thu mua sữa bò tươi nguyên liệu với số lượng không hạn chế gồm: Công ty Vinamilk, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt và Công ty Sữa Dutch Lady (sữa bò Cô gái Hà Lan). Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tiến hành thu mua sữa cho người dân theo phương thức cạnh tranh lành mạnh.

 
Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành mà những khó khăn của người chăn nuôi trong việc tiêu thụ sữa nguyên liệu và con bê giống đã dần được tháo gỡ. Cũng nhờ đó, ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh đang phát triển một cách nhanh chóng; không chỉ dừng lại ở những địa bàn truyền thống như Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc mà đã lan rộng sang các địa phương khác như: Lâm Hà, Đam Rông…

 
Mặc dù thời gian qua, do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan nên người chăn nuôi cũng đang gặp phải một số khó khăn. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định một điều rằng ngành chăn nuôi bò sữa sẽ là hướng phát triển tất yếu do nhu cầu sử dụng sữa ngày càng tăng của người tiêu dùng.
 

Bởi vậy, nhiều năm qua, tỉnh đã có quy hoạch vùng bò sữa một cách khá bài bản và đang từng bước triển khai thực hiện một cách hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo quy hoạch phát triển đàn bò sữa, xác định tới năm 2020, tổng đàn bò sẽ đạt con số 40- 50 ngàn con, duy trì tốc độ tăng đàn bình quân 20%/năm trở lên; sản lượng sữa tươi ước đạt 150- 200 ngàn tấn/năm, chất lượng sữa tươi đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định; trên 95% sản lượng sữa của nông dân được doanh nghiệp thu mua. 
 


Để đạt được mục tiêu phát triển đàn bò sữa một cách bền vững, tỉnh cũng xác định cần chú trọng tới việc xây dựng một hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò và chế biến sữa. Đồng thời, cần khuyến khích nông dân phát triển đàn bò một cách bền vững; tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để hạn chế dần việc nuôi nhỏ lẻ, thủ công tự phát.

Ngọc Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo