Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nuôi gà, vịt ấp trứng và cung cấp giống là một nghề quen thuộc, song ở biên giới phía Bắc vẫn còn mới mẻ. Nghề này giúp thay đổi tư duy, thói quen, tập quán chăn nuôi của đồng bào dân tộc.
Vùng núi biên giới phía Bắc gồm 7 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh trải dài trên 1.406km đường biên giới đất liền giữa nước ta với Trung Quốc. Trong số 1.194 xã có đến 923 xã khó khăn, chiếm tỉ lệ tới 77,3%.
|
Mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới phía Bắc tạo nghề mới và thu nhập khá cho đồng bào |
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giống gia cầm nuôi tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc khá phong phú, ngoài các giống bản địa do người dân tự lai tạo hoặc cung cấp từ các cơ sở trong nước, nhiều giống không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc cũng được đưa vào nuôi nên chất lượng con giống không đảm bảo và không kiểm soát được dịch bệnh.
Do không có đàn giống gia cầm bố mẹ theo hệ thống giống, xa nơi cung cấp con giống, giao thông không thuận tiện, vận chuyển con giống xa không đảm bảo trong khi nhu cầu về gia cầm cao trong các dịp lễ tết, vì vậy việc nhập gia cầm không rõ nguồn gốc qua biên giới ngày càng gia tăng, làm tăng nguy cơ dịch bệnh với đàn gia cầm trong nước, khó khống chế bệnh cúm gia cầm...
Từ thực tiễn đó, từ 2014 - 2016, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới phía Bắc” được Bộ NN-PTNT triển khai. Phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án tại Hà Giang ngày 6/12/2016, bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mục tiêu của dự án là cung cấp con giống gia cầm tại chỗ đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn giống, có nguồn gốc, góp phần giảm tỉ lệ gia cầm nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho các cơ sở sản xuất giống và kỹ thuật cho hộ chăn nuôi.
Dự án tiến hành xây dựng 14 cơ sở ấp trứng gia cầm (14 máy ấp, 14 máy nở) cung cấp 28.000 con gà, vịt bố mẹ (gà LV, TP, ri lai, Ai Cập, vịt SM…), cung cấp 1,4 triệu con gà, vịt giống thương phẩm đảm bảo tiêu chuẩn.
Báo cáo tại dự án cho thấy cả 5 hộ tham gia đã vận hành máy và đưa vào ấp nở đạt kết quả tốt. Các hộ là đầu mối thu mua trứng ấp và tiến hành ấp nở đạt tỉ lệ ấp nở theo yêu cầu đề ra. Tại Quảng Ninh, hạch toán 1 năm sau khi trừ chi phí khấu hao, mua trứng và dụng chủ máy ấp nở, còn thu lãi trên 259 triệu đồng. Tại Lạng Sơn hạch toán hộ có máy ấp lãi 335,9 triệu đồng. |
Mô hình đặt mục tiêu có khoảng 1.000 nông dân được tập huấn và tham quan học tập. Qua đó, phấn đấu tỉ lệ gia cầm nuôi sống đến lúc đẻ ≥ 90%, năng suất trứng/mái ≥ 160 - 220 quả/ năm. Tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi trên 10% so với sản xuất đại trà trước đây. Hoàn thiện 1.000 tờ rơi về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm và phổ biến ra sản xuất. Tổ chức các hoạt động truyền thông nông thôn, nhân rộng mô hình.
Kết quả cho thấy, mô hình chăn nuôi gà sinh sản tỷ lệ nuôi sống đến khi vào đẻ đạt từ 95 - 97% đạt 105,55 và 107,77%. Tỷ lệ đẻ trung bình tại Lào Cai đạt 65% và Điện Biên 62,04%, tỷ lệ phôi đạt cao từ 95 - 96,00%.
Như vậy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đàn gà đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. So với năng suất của các giống gà địa phương gà mô hình cao hơn từ 50 - 60 quả và chất lượng trứng giống tốt từ đàn gà bố mẹ không mắc bệnh nên con giống có sức sống tốt tỷ lệ nuôi sống cao.
Anh Trần Văn Trung ở thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang chia sẻ, được dự án hỗ trợ 142 con gà bố mẹ từ tháng 3/2016, nay đàn gà của gia đình anh đã cung cấp trứng cho các cơ sở ấp nở hai lứa. Gà bố mẹ có tỉ lệ đồng đều rất cao, khả năng thích nghi rất tốt. Việc chăm sóc nuôi dưỡng không quá phức tạp. Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ đẻ đạt trên 60%. Tùy vào diễn biến của thị trường, có lúc gia đình anh Trung bán trứng, có lúc lại thuê ấp nở rồi úm gà con bán gà choai...
Cách nhà anh Trung không xa, gia đình anh Nguyễn Bình An cũng ở xã Đạo Đức được dự án hỗ trợ 50% kinh phí hệ thống ấp nở. Anh cho biết, gia đình anh là hộ đầu tiên ở trong vùng có máy ấp nở gia cầm. Trước đây người dân mua giống trôi nổi trên thị trường lại không biết úm gà con nên thất thu. Từ khi được dự án hỗ trợ anh An trở thành địa chỉ uy tín cung cấp giống gia cầm...
Bà Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Giang đánh giá, dự án sản xuất giống gia cầm vùng biên phía Bắc là chương trình mang lại lợi ích cả về mặt kinh tế và xã hội, mang lại hiệu quả rõ rệt... Mô hình đáp ứng được nhu cầu của người dân về sản xuất giống gia cầm tại chỗ, góp phần thay đổi tập quán, nhận thức về chăn nuôi.
"Từ thành công của dự án, trong thời gian tới, các đơn vị triển khai cần chú trọng nhân rộng mô hình và duy trì hoạt động của các hộ nhận máy ấp nở, để ấp trứng đạt tỷ lệ cao và hỗ trợ cho người tham gia dự án các thông tin về thị trường, giá cả con giống... Đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép mở rộng quy mô của dự án, đáp ứng nhu cầu sản xuất và có dự án khuyến khích nhân rộng...", bà Hạ Thúy Hạnh. |