Tháng 11/2015, Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở miền Bắc được lựa chọn để khởi động Dự án tăng cường sự tham gia của các tổ hợp tác, HTX vào thị trường và chuỗi giá trị.
|
Sản phẩm của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là sản phẩm OCOP |
Dự án được thực hiện dưới sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Phần Lan và Liên minh chiến lược tập thể Bỉ.
Quý I và quý II năm 2015, thông qua Trung ương Hội Nông dân, đoàn chuyên gia của Bỉ và Phần Lan đã tiến hành đi khảo sát thực tế tại các tỉnh thành trong cả nước.
Qua khảo sát, Quảng Ninh có 1 CLB và 2 HTX đủ điều kiện là: HTX SX rau an toàn Hà Tân (phường Hà Phong, TP Hạ Long); CLB nuôi hàu thị trấn Cái Rồng và HTX Nông Trang, xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn).
Đây đều là những HTX, CLB hoạt động khá hiệu quả, vai trò và trách nhiệm của các xã viên được thể hiện rõ nét, doanh thu ổn định, sản phẩm có uy tín, có thương hiệu trên thị trường.
Tuy nhiên, các đơn vị này cũng mới chỉ quan tâm đến khâu SX chứ chưa quan tâm đến kỹ năng quản lý HTX và đàm phán hợp đồng.
Theo đó, để hỗ trợ nông dân có được những công cụ tốt nhất trong quá trình SX, đàm phán, ký kết hợp đồng, nâng cao kỹ năng quản lý HTX... trong 2 năm thực hiện dự án (từ năm 2015 đến năm 2017), dự án sẽ triển khai 19 hoạt động tập trung vào 4 nhóm chính.
Bao gồm khảo sát thực địa; tuyên truyền nâng cao nhận thức; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hoạt động cho cán bộ Hội Nông dân, thành viên HTX và kiểm tra đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm.
Mặc dù 2 dự án mới chỉ ở bước khởi động, tuy nhiên, trong thời gian tới, việc tham gia dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực, vai trò, vị trí của cán bộ Hội.
Quan trọng hơn cả, là bản thân các HTX, CLB sẽ được tăng cường năng lực tiếp cận thị trường, nâng cao tính cộng đồng và chuyên môn hoá của người nông dân trong SX, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. |
Tính đến thời điểm này, dự án đã mời các chuyên gia về tổ chức hội thảo, giới thiệu mục tiêu tổng quát của dự án, tổ chức tập huấn cho Ban quản lý dự án, chủ nhiệm các HTX, CLB tham gia dự án.
Ông Vi Tiến Hà, Chủ nhiệm HTX SX rau an toàn Hà Tân, cho biết: "Có một thực tế là bộ máy quản lý các HTX hiện vẫn còn thiếu và yếu ở nhiều khâu, nhất là trong khâu lập báo cáo tài chính để vay vốn tín dụng, khâu tiêu thụ và khâu nắm bắt các thông tin thị trường.
Chính vì vậy, việc tham gia dự án dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ giúp cho chúng tôi nâng cao năng lực hoạt động của HTX trên cả 3 mặt là: Quản trị, tài chính và tìm kiếm thị trường".
Được biết, cùng với dự án trên, vừa qua, Tổ chức Hỗ trợ phát triển Agriterra của Hà Lan hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp, nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân ở nhiều khu vực trên thế giới cũng đã đến khảo sát, đánh giá nhu cầu năng lực và làm cơ sở xây dựng kế hoạch, hỗ trợ cho Hội Nông dân tỉnh trong hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, HTX.
Sau chuyến đi khảo sát tiền khả thi vào tháng 6/2015 và chuyến khảo sát khả thi vào cuối tháng 11/2015, Tổ chức Agriterra quyết định sẽ phát triển các sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh là na dai Đông Triều; vải chín sớm Phương Nam và thanh long ruột đỏ Uông Bí.