Đổi mới hoạt động khuyến nông
10:12 - 16/12/2015
Đổi mới hoạt động khuyến nông là tất yếu trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thị trường thế giới; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

Vậy cái gì cần đổi mới để nâng cao hiệu quả khuyến nông? Đó là vấn đề được tập trung thảo luận tại hội nghị "Nâng cao hiệu quả khuyến nông ở Việt Nam" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức hôm qua (15/12). Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã tham dự hội nghị.

TS Trần Văn Khởi, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng trước mắt, cần phải đổi mới cách tiếp cận khuyến nông. Nông dân phải là khách hàng. Các nội dung khuyến nông phải xuất phát từ nhu cầu của nông dân hoặc nông dân tự nguyện, không áp đặt, thiên cưỡng.

Thứ hai, trong bối cảnh đầu tư cho khuyến nông hạn chế, cần lựa chọn nội dung ưu tiên sao cho phù hợp để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, tạo được những mô hình điển hình nổi bật, có tác dụng lan tỏa nhanh. Làm được như vậy sẽ có ý nghĩa hơn nhiều là đề xuất tăng đầu tư.

Bên cạnh đó, phải lấy chất lượng dịch vụ làm đầu. Bởi trước xu hướng xã hội hóa các hoạt động dịch vụ công (trong đó có khuyến nông) gắn với sản xuất hàng hóa, nhiều tổ chức cùng tham gia hoạt động khuyến nông, nông dân sẽ lựa chọn tổ chức khuyến nông có chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Cũng theo ông Khởi, ngoài những yếu tố trên, phương pháp hoạt động khuyến nông cũng cần thực hiện phương châm “3 giảm, 3 tăng”.

 Cụ thể, giảm hành chính hóa, giảm hình thức hóa, lãng phí và giảm phân tán, cát cứ. Đồng thời, tăng tính chuyên nghiệp hóa, tăng áp dụng công nghệ thông tin và tăng khả năng tư vấn dịch vụ.

Đội ngũ cán bộ khuyến nông phải thực hiện 3 cần (thạo nghề, thông chính sách; nhiệt tình, gần dân; khiêm tốn, cầu thị) và 3 không (không thụ động, ỷ lại; không quan liêu, sách nhiễu dân; không bảo thủ, trì trệ).

Theo ông Bùi Kim Đồng, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm: "Thời nay, vấn đề nổi cộm của nông dân là tìm đầu ra của sản phẩm. Vì thế, muốn nâng cao hiệu quả khuyến nông, cần bám sát nhu cầu của người sử dụng dịch vụ. Đó là nông dân. Cần có phương pháp khuyến nông về thị trường và thương hiệu, giúp nông dân bán được hàng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng:"Cùng với sự mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, ngành khuyến nông đã tiếp cận được rất nhiều tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Nhưng, không phải cái gì người ta làm tốt thì mình bắt chước, phải có sự chọn lọc, kế thừa và phát triển.
Nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông là xây dựng các mô hình thử nghiệm, đánh giá tính phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng sinh thái. Nếu thấy hiệu quả cần tập huấn, chuyển giao cho nông dân để nhân rộng ra đại trà".

Để làm được điều này, cán bộ khuyến nông phải hỗ trợ nông dân lựa chọn nông sản tiềm năng để xây dựng thương hiệu; hỗ trợ nông dân xây dựng và quản lý chất lượng nông sản có thương hiệu, và hỗ trợ nông dân các giải pháp thương mại hóa nông sản…".

TS Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp VN), cho rằng ngay cả các viện nghiên cứu khoa học cũng cần thành lập một đội ngũ khuyến nông giỏi chuyên môn và có khả năng thu hút doanh nghiệp tham gia cùng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp vào thực tiễn.

Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ từng bước tạo điều kiện cho sự hình thành thị trường KH-CN nông nghiệp, và tạo ra các sản phẩm KHCN theo phương thức đặt hàng từ doanh nghiệp...

Điển hình cho mô hình tích hợp nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, có thể nhắc tới VAAS. Riêng năm 2015, VAAS đã có 65 giống cây trồng được chuyển giao bản quyền thương mại hóa cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, nhờ làm tốt công tác khuyến nông, nhiều sản phẩm khoa học của VAAS đã được ứng dụng trên phạm vi cả nước. Trong số 10 giống lúa chủ lực của ĐBSH (có diện tích gieo trồng lớn nhất) có 3 giống lúa của Viện (HT1, N87, Khang dân đột biến), với diện tích gieo trồng khoảng 143.000 ha.

Tại vùng ĐBSCL, có 10/10 giống lúa của Viện nằm trong tốp giống có diện tích lớn nhất được gieo trồng, với tổng diện tích gần 3,4 triệu ha (chiếm khoảng 78% tổng diện tích)…

Ông Thanh kiến nghị, hoạt động khuyến nông cần tích hợp tất cả những công nghệ ưu việt nhất vào một gói kỹ thuật hoàn thiện để chuyển giao cho người nông dân. Có như vậy mới tạo ra được bước tiến mạnh mẽ về hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, cần liên kết các tổ chức chuyển giao công nghệ, sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, lấy định hướng thị trường và hiệu quả kinh tế để ưu tiên phát triển.

MINH PHÚC
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo