Nâng tầm thương hiệu miến dong Bắc Kạn
13:05 - 15/12/2015
Xã Côn Minh (huyện Na Rì)  được coi là vùng đất tổ của cây dong riềng ở Bắc Kạn. Để nâng  cao chất lượng miến, giúp thương hiệu ngày càng vươn xa, Hợp tác xã miến dong Côn Minh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.
Đóng gói bao bì sản phẩm miến Côn Minh.

Đến dưới chân đèo Áng Toòng đã nghe thấy tiếng máy xay, máy trộn, máy đánh bột dong, tiếng bước chân người nhộn nhịp.

Những bãi phơi rộng hàng chục nghìn mét vuông của Hợp tác xã miến dong Côn Minh dường như vẫn không đủ không gian cho những giàn phơi miến, người ta phải tận dụng cả chái nhà, trước hiên, dựng lên những tấm phên bánh để phơi khô. Với nguồn nguyên liệu thuần khiết là bột dong, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, bởi vậy miến dong Côn Minh luôn chinh phục được cả những người sành ăn nhất.

Nghề làm miến dong ở Côn  Minh có từ lâu đời nhưng trước đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ trong phạm vi gia đình. Ngày nay, quy trình sản xuất ngày càng chuyên nghiệp hóa với đủ loại máy móc hỗ trợ. Củ dong già sau khi thu về, rửa sạch đất cát rồi đem nghiền lọc bột. Bột dong thô còn phải qua nhiều lần đánh nhuyễn, cho vào bể lắng, bơm đầy nước cho tinh bột lắng xuống. Cứ như vậy, sau khoảng 10 lần lọc mới thu về bột dong nguyên chất đưa vào sử dụng.
 

Bằng việc sử dụng máy tráng, vào mùa, mỗi ngày Hợp tác xã miến dong Côn Minh cho ra khoảng 3,5 tấn miến dong thành phẩm. Trên những giàn máy tráng, người ta lấy tinh bột đã được hồ hóa ở dạng sệt, được pha theo tỷ lệ nhất định rồi tiến hành bơm theo định lượng, bột đi qua bộ phận cán mỏng dàn đều tạo thành tấm bánh miến có độ mỏng từ 1 - 1,2mm. Đồng thời, quá trình đó hệ thống cung cấp nước ở nhiệt độ cao được đưa đến làm chín bánh. Chiếc băng tải dàn tráng chuyển động đưa tấm bánh vừa tráng xong rơi trên bề mặt phên phơi đặt bên dưới và được điều chỉnh chuyển động đồng tốc với quá trình tạo bánh miến. Hệ thống phun nước của máy tráng xả nước lạnh vào tấm bánh trước khi tấm bánh tách ra khỏi băng tải xuống phên phơi. Mục đích của việc phun nước lạnh nhằm làm nguội và se bề mặt giúp tấm bánh dễ dàng tách ra khỏi băng tải dàn tráng. Mỗi phên bánh có kích thước dài 2-2,5m, rộng 0,6-0,7m được đem phơi nắng sơ qua.
 

Theo kinh nghiệm của những người làm miến lâu năm, miến được phơi nắng cho đến khi cầm tay thấy bánh hơi mềm, ráp tay là có thể mang đi cắt, nếu bánh tráng ẩm quá sẽ không cắt tạo sợi được, nếu khô quá cắt sẽ bị gãy vụn. Những sợi miến dài như vậy lại một lần nữa được đem phơi trên những giàn cao thoáng. Và cuối cùng là miến được cắt đoạn dài khoảng 40cm, đóng gói rồi đưa ra thị trường.

Ông Nông Văn Chính, Chủ nhiệm Hợp tác xã miến dong Côn Minh, cho biết: “Việc sử dụng máy tráng chỉ làm tăng sản lượng miến chứ hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng. Miến có ngon hay không phụ thuộc vào khâu pha chế tinh bột. Phương thức sản xuất tưởng như khá đơn giản nhưng lại không dễ chút nào, chỉ cần lơ là một chút, không tuân thủ quy trình là miến có thể bị khô, dễ gãy và sợi miến không được đều, đẹp. Miến dong Côn Minh được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc. Hợp tác xã thường xuyên đón nhận những đơn hàng với số lượng lớn.

Miến dong Côn Minh có màu xám đục, không phải vàng óng như các loại miến khác. Sợi miến khi nấu lên không bị bở nát, có mùi thơm của củ dong riềng và đặc biệt không bao giờ có sạn.
 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều cơ sở sản xuất miến dong như Nhất Thiện, Triệu Thị Tá, Tân Sơn…, cũng sử dụng nguồn nguyên liệu là dong riềng của địa phương nhưng cách thức sản xuất của mỗi đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, miến dong Côn Minh là mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất. Để khắc phục điều này, từ khi nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, Hợp tác xã miến dong Côn Minh là đơn vị được chọn làm thí điểm thực hiện. Đến nay, sau một thời gian sử dụng nhãn hiệu tập thể, qua thăm dò thị trường thấy, tình trạng làm nhái thương hiệu đã giảm đáng kể, tạo được sự yên tâm của đơn vị sản xuất cũng như người tiêu dùng khi lựa chọn mặt hàng này.

Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, nhận định: “Từ khi tiếp nhận và thực hiện dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” đến nay, chúng tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá thương hiệu. Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Côn Minh đã được Hội Nông dân tỉnh đưa ra giới thiệu tại hội chợ và các siêu thị tại Hà Nội, từ đó mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh.

Hợp tác xã miến dong Côn Minh là nơi tìm tòi, trao đổi kinh nghiệm của các hộ làm miến lâu năm. Hy vọng, với những nỗ lực của hợp tác xã, thương hiệu miến dong Côn Minh sẽ ngày càng bay xa, góp phần mang lại giá trị thu nhập cao cho một đặc sản của tỉnh Bắc Kạn.


Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo