Lớn lên trong gia đình nông dân, nửa quãng đời tuổi thơ ông gắn với trường lớp, nửa kia gắn với ruộng đồng.
|
Ông Phan Trọng Hổ (người đầu tiên bìa phải) đang kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương trước khi XK sang Nhật |
Sau những giờ học, ông trần lưng giúp cha mẹ công việc đồng áng. Nỗi cơ cực của nhà nông ông thấm đẫm từ thuở niên thiếu...
Lớn lên, vào đại học, ông chọn ngành nông nghiệp. Không ước ao gì lớn, chỉ mong học được gì, ông về quê bày lại nông dân để làm ăn thoát nghèo. Đó là ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.
Bao điều trăn trở
Con em nhà nông nào mà không biết làm ruộng, trồng rau, cho con heo con gà ăn. Không ngoại lệ, chàng học trò Phan Trọng Hổ ở làng Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định) cũng giỏi công việc đồng áng.
Nhỏ thì tưới rau, phơi lúa, cho gà ăn. Lớn lên chút nữa thì cắt lúa, gánh lúa đỡ đần cho cha mẹ. Cái nghề “một nắng hai sương” đã khơi dậy trong lòng chàng học sinh quê mùa nhiều nỗi trăn trở.
Chàng học trò Phan Trọng Hổ nghĩ, vì sao làm nông cực đến như vậy mà cái nghèo cứ bám riết? Rồi ông nhận ra nhà mình có cuộc sống thong thả hơn nhờ có nuôi con heo, con gà. Thế là ông đam mê chăn nuôi. Vào đại học, ông Hổ chọn ngành chăn nuôi - thú y để học.
“Hồi đó tôi mong ước đơn giản lắm, nguyện vọng sau khi ra trường, mang những kiến thức mình được học về quê, hướng dẫn lại bà con tổ chức SX để cuộc sống đỡ vất vả.
Tôi nghĩ, làm nông mà chỉ ngóng vào những hạt lúa thì chẳng bao giờ có thể khá được. Phải chăn nuôi thì mới có của ăn, của để”, ông Phan Trọng Hổ chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Phan Trọng Hổ tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Chăn nuôi - thú y tại Viện Thú y Quốc gia.
Ra trường năm 1986, đến nay, ông Hổ đã gắn bó với ngành nông nghiệp Bình Định được 29 năm. Trong đó, có 10 năm làm ở Chi cục Thú y tỉnh, 4 năm ở Trung tâm Giống vật nuôi và 11 năm làm ở Sở NN-PTNT Bình Định...
Khi nhận trọng trách giám đốc Sở, ông Hổ tự giao cho mình trách nhiệm phải làm sao để thu nhập của người nông dân được tăng lên, đời sống được nâng cao, biên độ chênh lệch giữa cuộc sống nông thôn và thành thị ở Bình Định không còn quá lớn.
Nghĩ thì đơn giản là vậy, nhưng khi thực hiện bằng những việc làm cụ thể thì ông Hổ mới thấy vô cùng khó.
“Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên cả cây trồng, các loại vật nuôi. Nông sản SX ra càng nhiều thì việc tiêu thụ càng khó, bị ép giá, hiệu quả kinh tế không có, đời sống nông dân không thể thoát được khó khăn.
Muốn thúc đẩy SX nông nghiệp thì lại vướng cơ chế, bởi các chính sách Nhà nước đã ban hành cho ngành nông nghiệp còn hạn chế, nông dân ít được hưởng lợi.
Nông dân phát triển SX, muốn vay ngân hàng thì không dễ. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không nhiều, bởi họ nghĩ sẽ phải đối mặt với rủi ro cao, lời lãi chẳng bao nhiêu.
Thế nên để làm thay đổi bộ mặt nông thôn phải chuyện đơn giản. Không thể làm một lúc thì mình làm từng bước”, ông Hổ bộc bạch.
Cái “từng bước” theo ông Hổ là tìm ra các giải pháp mấu chốt giải quyết khó khăn trong từng lĩnh vực. Đến nay, trong trồng trọt Bình Định đã xây dựng được chuỗi liên kết SX gắn với tiêu thụ trong SX giống lúa; tổ chức được những vùng SX nông sản chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác; chuyển giao tiến bộ KHKT, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào SX.
Trong lĩnh vực chăn nuôi Bình Định cũng đã hạn chế dần mô hình nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, xây dựng được chuỗi chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.
Thế mạnh của Bình Định là lĩnh vực thủy sản cũng đã giảm được tổn thất sau thu hoạch, khi cơ sở hạ tầng các cảng cá được nâng cao.
“Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong ngành xây dựng nâng cấp các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ và trên biển, xây dựng các âu thuyền, tổ chức các tàu trung chuyển đưa hải sản về bờ nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi tiêu thụ. Cả ngành lâm nghiệp, thủy lợi cũng đã có những chuyển biến đáng phấn khởi”, ông Hổ cho biết thêm.
Điều đáng nhớ nhất trong những năm “cầm chịch” ngành nông nghiệp ở Bình Định của ông Hổ là đã khống chế được dịch bệnh trên cả cây trồng, vật nuôi.
Để làm được điều này là không dễ, bởi phải vận động để nông dân chung tay với nhà nước cùng làm. Bình Định thiết lập được quỹ dự phòng các loại thuốc BVTV, thuốc thú y, thủy sản để khi phát sinh dịch bệnh là kịp thời dập tắt ngay.
“Từ đó nông dân nâng cao được nhận thức về trách nhiệm phòng trừ dịch bệnh trong mọi mặt SX, hạn chế được thiệt hại rất lớn. Nhờ vậy bộ mặt của nông thôn ở Bình Định trong 3 năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, từ thu nhập đến môi trường sống”, ông Hổ phấn khởi cho hay.
Người bạn đồng hành
Trong câu chuyện trao đổi, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, không quên nhắc đến vai trò của Báo Nông nghiệp Việt Nam trong công cuộc điều hành ngành nông nghiệp của ông tại Bình Định trong những năm qua.
Ông Hổ nêu nhận xét gọn lỏn: “Báo ngành như người bạn đồng hành của tôi trong suốt thời gian làm việc, nhất là giai đoạn đảm nhận trọng trách giám đốc Sở. Trong một ngày, tôi có thể không đọc các báo khác nhưng báo nhà mình là phải đọc để nắm bắt thông tin nhằm có định hướng chỉ đạo”.
Theo ông Hổ, để thông tin trên báo đến được tận người nông dân, tờ tin Nông nghiệp và nông thôn của Sở NN-PTNT Bình Định đã trích đăng những thông tin cần thiết trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tờ tin này phát hành rộng rãi đến cơ sở để bà con nông dân được đọc.
“Ngoài những vấn đề thời sự báo thông tin kịp thời, điều tôi quý nhất ở tờ báo là luôn cập nhật những tiến bộ kỹ thuật trong mọi lĩnh vực SX nông nghiệp, định hướng rõ ràng trước những loại cây trồng, vật nuôi mới để ngành nông nghiệp các địa phương năm bắt, hướng dẫn nông dân làm theo nhằm tránh thất bại, tăng hiệu quả kinh tế”, ông Hổ nói.
Ấn tượng nhất đối với ông Hổ trong thời gian gần đây là những thông tin sâu sát về loại cây mắc ca trên báo.
Theo ông Hổ, chung quanh loại cây trồng mới này “loạn” thông tin, nhưng qua báo của Bộ, các địa phương có ý định phát triển cây mắc ca nắm bắt được những yếu tố cần thiết trong SX, nhất là vấn đề thị trường để thận trọng hơn trong chỉ đạo SX.
“Bình Định cũng đã có dự định trồng thử nghiệm cây mắc ca trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, qua định hướng của báo, chúng tôi biết phải chọn những tiểu vùng khí hậu nào để trồng cây này.
Nhận xét của các nhà khoa học và những thông tin trên báo về sự thành bại, kinh nghiệm chăm sóc của nông dân những nơi đã trồng mắc ca giúp chúng tôi thận trọng hơn khi đưa loại cây này vào SX diện tích lớn”, ông Hổ bày tỏ.
Câu chuyện trao đổi giữa tôi và GĐ Sở NN-PTNT Bình Định dần đi tới ngưỡng thâm tình, tôi bộc bạch: “Trên địa bàn Bình Định, Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn thông tin kịp thời những hoạt động của ngành nông nghiệp. Bên cạnh những bài viết nêu bật thành tựu, cũng có không ít bài phản ánh những điều chưa làm được, ông có thấy khó chịu về điều này?".
Ông Hổ nêu ngay quan điểm không cần suy nghĩ: “Đối với một ngành rộng như ngành nông nghiệp, đối tượng SX là người nông dân thì lãnh đạo không thể nắm bắt được tất tần tật mọi thông tin, chắc chắn sẽ có những thiếu sót.
Qua báo, tôi nắm được những điều chưa làm được, những mặt còn hạn chế trong SX nông nghiệp ở các địa phương để từ đó có những giải pháp khắc phục kịp thời.
Tôi cho rằng những phản ánh của báo đã giúp ngành nông nghiệp Bình Định “lấp” được những “lỗ hổng” và giúp cho lãnh đạo ngành kịp thời có những chỉ đạo sâu sát”.
|