Hàng “độc” mất mùa vì thời tiết, nhà vườn trở tay không kịp
16:06 - 07/12/2015
 Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trồng nông sản “độc” đón tết trở tay không kịp, sản lượng giảm, năng suất thấp.

Ông Võ Trung Thành cho biết, mưa đến sớm làm ảnh hưởng đến sản xuất bưởi tạo hình.

Bưởi tạo hình mất mùa

Ông Võ Trung Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Thời tiết diễn biến bất thường khiến cho kế hoạch của CLB “phá sản”. Mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây bưởi. Cây rụng lá, ra hoa sớm hơn. Nông dân chúng tôi không trở tay kịp khi chưa có đủ khuôn ép (dụng cụ tạo hình bưởi)”.

Theo ông Thành, ngoài ảnh hưởng bởi thời tiết, vườn bưởi trong CLB còn bị sâu bệnh tấn công mạnh. “Có khoảng 60% trái bưởi bị hư hại. Trong tổng số 10.200 trái bưởi được chọn tạo hình (hồ lô, hồ lô thỏi vàng, bản đồ có Hoàng Sa và Trường Sa) thì có chỉ khoảng 1/3 thành công” – ông Thành tính toán.

Ông Võ Hồng Quốc – thành viên trong CLB Khuyến nông Phú Trí A buồn so nói: “Thời tiết năm nay “không ổn” nên làm cho trái bưởi, đào tiên non bị rụng trái sớm, làm cho tôi không có đủ số lượng trái để ép khuôn. Bưởi, đào tiên ra trái ít nhưng lại rụng trái nhiều. Vì vậy, tôi chỉ có thể ép khuôn được từ 200-300 trái bưởi thay vì 700 trái như năm 2014. Còn đào tiên, tôi cũng chỉ làm khoảng 100 trái”.

Ông Quốc cũng tiếc nuối kể rằng: “Ngoài tạo hình bưởi, tôi là người duy nhất ở ĐBSCL trồng, tạo hình đào tiên có quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, do thời tiết khắt khe và bản chất việc tạo hình đào tiên khó hơn nhiều so với loại trái cây khác nên số lượng đào tiên tạo hình năm nay sẽ không có đủ cung cấp ra thị trường, đặc biệt là thị trường miền Bắc – nơi được đánh giá là rất ưa chuộng đào tiên tạo hình”.

Không riêng gì ở Hậu Giang, hiện nay nhiều hộ dân trong tổ hợp tác tạo hình bưởi ở xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) cũng khốn đốn trước sự tác động của thời tiết. Thay vì năm 2014, nơi này làm trên 1.000 trái bưởi tạo hình thì năm nay chỉ làm được khoảng 400 trái.

“Chúng tôi tạo hình 800 trái nhưng chỉ thành công khoảng 50%. Thời tiết làm trái thì sượng, trái thì không lớn mặc dù tôi đã bón phân, phun thuốc rất nhiều” – ông Bùi Chí Linh, Tổ trưởng tổ hợp tác bưởi tạo hình ở xã Ninh Thới nói.

Mai nở sớm, cúc mâm xôi nở muộn

Những năm trước đây, những ngày này, ông Phạm Văn Hiếu (ngụ khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) – một người có kinh nghiệm trồng mai lâu năm dồn sức để chăm sóc vườn mai bán tết. Tuy nhiên, năm nay ông gần như “bỏ phế” không lo tới. Ông Hiếu cho biết, vài năm trước đây, vườn mai của ông trên 1.000 gốc nhưng hiện nay chỉ còn 500 gốc.

“Thời tiết bất ổn, còn vài tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng đã có hiện tượng mai nở rồi. Trung bình, mỗi cây có từ 3-5 chùm bông. Nếu thời tiết cứ nắng nóng kéo dài như thế này cây sẽ tiếp tục rụng lá, ra hoa sớm khi gặp điều kiện thuận lợi (mưa, nước tưới…)” - ông Hiếu nói.

Cũng như ông Hiếu, nhiều người trồng mai ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang đứng ngồi không yên trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Ông Lê Văn Minh, ngụ xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, vào ban ngày, nắng gắt khiến cho cây mai trở nên khô cằn, rụng lá sớm trước khi người dân phải dùng biện pháp hái lá (gần tết người dân phải hái lá mai để kích thích ra hoa).

“Một số cây mai đã nở hoa, nhiều cây đã rụng lá già trong khi đó vài ngày qua đã có một vài trận mưa đi qua, có thể sẽ xảy ra hiện tượng mai nở sớm, khó bán vào dịp tết” – ông Minh buồn bã nói.

Trái ngược với người trồng mai, nhiều hộ dân trồng cúc mâm xôi ở huyện Chợ Lách và TP.Sa Đéc (Đồng Tháp)… lại lo lắng hoa nở muộn. Theo nhiều hộ dân, thời gian này, cúc mâm xôi có nụ rất nhỏ hoặc không ra nụ, chỉ đâm lá. Nếu tình trạng này kéo dài, hoa sẽ không nở đúng tết. “Thời gian này cúc mâm xôi lại phát triển lá, không ra hoa nhiều. Chúng tôi đang cố gắng dùng các biện pháp cạn thiệp với hy vọng hoa nở sớm hơn. Nhiều hộ dân nơi đây còn gặp tình trạng cúc mâm xôi bị bệnh thán thư, đốm lá” – bà Lê Thị Hạnh, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách than thở. 

  Ông Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Lách nhận định: Nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa trái vụ sẽ làm cho hoa mai nở sớm. Còn hiện tượng, cúc mâm xôi không nở nụ hoặc nở ít, ngoài lý do thời tiết còn có nguyên nhân là do người dân sử dụng giống thoái hoá, 1 giống nhưng sử dụng vụ từ vụ này sang vụ khác. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu tạo ra các giống mới để người dân sản xuất, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết. 


Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo