Tìm kiếm hướng đi mới trong chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Lê Văn Dũng, người tiên phong nuôi cá chép giòn của vùng cù lao Long Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã thành công với giống cá đặc sản này.
Gia đình ông Lê Văn Dũng, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, gắn bó mấy chục năm nay với con cá tra, vừa nuôi cá thịt, vừa sản xuất cá giống. Tuy nhiên, từ khi con cá tra có dấu hiệu giảm giá vì nhiều người đổ xô vào đầu tư nuôi cũng là lúc ông Dũng nhận thấy phải tìm hướng đi mới cho riêng mình mới có thể thành công.
Ông Dũng đã từng đi nhiều nơi tìm kiếm, mạnh dạn bỏ vốn thử nghiệm nhiều loại cá khác nhau. Trải qua bao phen lận đận, cơ duyên ông tìm được con cá chép giòn, một trong những loài cá đặc sản đang được ưa chuộng trên thị trường, từ đó ông mạnh dạn đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Dũng, điệp khúc "được mùa mất giá" xảy ra thường xuyên, vì vậy buộc ông phải tìm các loại cá có giá trị kinh tế cao để đầu tư sản xuất. Khi ra các tỉnh miền Bắc, được sự chỉ dẫn của anh em trong nghề, biết loài cá chép giòn có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngon, giá trị thương phẩm cao nên ông mạnh dạn học hỏi cách nuôi và mua con giống về nuôi thử.
Trải qua nhiều thử nghiệm, nhận thấy nuôi cá chép giòn bằng lồng bè cá phát triển tốt, từ đó ông đã đầu tư mua con giống phát triển loài cá này. Tận dụng lồng bè nuôi cá của gia đình trước đó ông chuyển hết sang nuôi cá chép giòn. Theo ông Dũng, trong quá trình nuôi so với các loài cá khác, cá chép giòn ít dịch bệnh, sức tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, lợi nhuận từ nuôi cá chép giòn cao hơn từ 5 - 6 lần so với các loại cá khác.
Khác cách nuôi các loại cá chép thường, cá chép giòn được nuôi trong bè từ 3 - 5 tháng bằng thức ăn công nghiệp, sau đó cá được tuyển lựa cho nuôi riêng khoảng 2 tháng bằng loại thức ăn đặc biệt đó là đậu tằm, loại đậu xuất xứ từ các nước ôn đới, với đặc điểm độ đạm cao (chiếm 31%) trong khi hàm lượng lipid thấp (0.15%) là yếu tốt quyết định làm thay đổi chất lượng thịt tăng độ dai, nên thịt cá chắc và giòn.
Nhiều thương lái mua cá cho biết, hiện nay thị trường tiêu thụ loại cá này rất khả quan, cung cấp thường xuyên cho nhà hàng, khu ẩm thực tại các đô thị, khu du lịch, nhất là khu vực Tp. Hồ Chí Minh, vì vậy tiềm năng tiêu thụ loài cá này rất lớn. Hiện giá thu mua tại bè từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, mỗi con nặng từ 2 - 3 kg nên mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Do cá đưa đến nhà hàng phải còn sống nên mỗi ngày đều có thương lái đến tận bè để thu mua. Bình quân, mỗi ngày ông Dũng bán từ 30 - 50 con, thu lợi nhuận hàng năm vài trăm triệu đồng.
Ngoài cá chép, ông Dũng còn nuôi cá trắm cũng cho ra loại thịt giòn tương tự như cá chép. Bên cạnh đó, ông Dũng chuyển giao kỹ thuật nuôi cá chép giòn cho các hộ xung quanh. Tuy nhiên nguồn con giống phải mua từ miền Bắc, nên việc mở rộng vùng nuôi hạn chế.
Anh Trần Tuấn Phúc, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự cho biết, anh nuôi cá chép giòn được một năm nay cho hiệu quả kinh tế rất lớn, tiềm năng thị trường tiêu thụ khả quan, mỗi ngày anh bán cho thương lái 20 - 30 con, thu nhập cao hơn nuôi các loài cá khác. Tuy nhiên, do nguồn đầu tư con giống và thức ăn cao, nếu chủ động được con giống, thức ăn sẽ giảm được chi phí sản xuất lợi nhuận cao hơn. Hơn nữa, hiện tại cá chép giòn mới chỉ tiêu thụ tại các nhà hàng, nếu đưa được ra các chợ bán, thị trường tiêu thụ sẽ lớn và người dân an tâm để sản xuất.
Vùng cù lao Long Phú Thuận, ngoài việc cung cấp cá tra thịt, cá tra giống cũng đang phát triển nhiều loài cá đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: cá lăng nha, cá nheo, cá trắm giòn, chép giòn... Do đó nguồn cung phong phú về chủng loại, số lượng không tập trung sẽ hạn chế được phần nào cung vượt cầu. Vì vậy việc phát triển các loại cá đặc sản sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây./.
Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN