Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công-tư
Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công-tư ở Việt Nam”.
Dự án do Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID) tài trợ, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý và giao cho Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn thực hiện từ tháng 7/2013 đến tháng 11/2015 với tổng nguồn vốn 350.000 Euro. Dự án nhằm tăng cường năng lực về quản lý rủi ro trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thông qua liên kết công-tư ở Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo trong bối cảnh Việt Nam.
Qua thời gian thực hiện, Dự án đã cung cấp được 5 báo cáo chính gồm: Phân tích hiện trạng BHNN Việt Nam, rà soát, phân tích kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Xây dựng, đề xuất pháp lý cho một số hệ thống bảo hiểm công-tư; Đề xuất một cơ quan chịu trách nhiệm BHNN và các thủ tục thành lập và củng cố cơ quan này; Đề xuất mô hình BHNN ngành cà phê ở Việt Nam; Khuyến nghị việc thực hiện hiệu quả hệ thống bảo hiểm đã thiết kế.
Trong đó, với ngành hàng cà phê - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh và đạt mức kỷ lục trên 3,5 tỷ USD năm 2012) phải đối mặt với nhiều loại rủi ro như bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, mưa đá, các rủi ro thị trường, quản lý nguồn nước,… Dự án đã đưa ra những đề xuất quan trọng cho bảo hiểm cà phê, được thí điểm thực hiện tại Tây Nguyên. Trong đó, mô hình chỉ ra rằng, người trồng cà phê muốn tham gia bảo hiểm cần có giấy chứng nhận quyển sử dụng đất hoặc quyền canh tác cà phê trên diện tích đất được bảo hiểm. Trong trường hợp nông dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được chính quyền địa phương chứng thực cho quyền sử dụng hoặc canh tác.
Mặt khác, trên cơ sở mức năng suất tối đa có thể bảo hiểm ở từng huyện, các mức năng suất được bảo hiểm cho từng đối tượng trồng cà phê sẽ được thiết lập dựa vào tỷ lệ % của năng suất tối đa này. Cụ thể, đối với những cây cà phê dưới 4 năm tuổi, năng suất được bảo hiểm sẽ là 30% năng suất tối đa được bảo hiểm của huyện; đối với cây từ 4 đến dưới 7 năm tuổi, năng suất được bảo hiểm bằng 80% năng suất tối đa có thể được bảo hiểm của huyện. Cây có độ tuổi từ 8-25 năm, năng suất được bảo hiểm bằng với năng suất tối đa có thể được bảo hiểm ở huyện, đối với những cây trên 25 tuổi thì không được bảo hiểm.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm quốc tế về BHNN và kinh nghiệm của Tây Ban Nha, các đại biểu cho rằng rất cần thiết lập một cơ quan chuyên trách BHNN với cấu trúc và chức năng phù hợp với thể chế Việt Nam. Cơ quan này cần được thành lập chính thức bằng các văn bản pháp luật, trong đó nêu rõ vai trò gồm: quản lý hệ thống BHNN, xây dựng đề án BHNN liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm, thời gian bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm; cung cấp, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các đối tác công-tư trong hệ thống BHNN.
Để đảm bảo cho hệ thống BHNN hoạt động ổn định và lâu dài, Chính phủ cần có kế hoạch phân bổ ngân sách trong dài hạn để hỗ trợ cho các công ty bảo hiểm, hỗ trợ cho nông dân và các hoạt động tái bảo hiểm. Việc tham gia bảo hiểm nên được xem là điều kiện bắt buộc để người nông dân có thể được hưởng các khoản trợ cấp khác từ Chính phủ. Về hoạt động tái bảo hiểm, Chính phủ ban đầu nên đóng vai trò tích cực trong hoạt động tái bảo hiểm để thu hút các công ty bảo hiểm tham gia hệ thống, tạo nền tảng vững chắc cho BHNN./.