(TNNN) - Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương, do đòi hỏi kinh phí và sự đóng góp rất lớn từ người dân.
Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang xuất phát từ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 với mục tiêu bê tông hóa trên 70% đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển xi măng, ống cống và kinh phí phục vụ công tác quản lý; nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị khác hoặc bằng tiền để thi công xây dựng.
Xuất phát từ chủ trương đúng đắn nhằm đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, cộng với công tác tổ chức thực hiện khoa học, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn trở thành một phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền, mỗi người dân đều hiểu được trách nhiệm bản thân, gia đình trong việc thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã làm được 2.409 km đường bê tông nông thôn.Tổng số tiền đầu tư cho chương trình là 1.319,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 630,256 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 689,2 tỷ đồng; doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và hộ gia đình đã ủng hộ về tiền mặt và vật liệu 2,78 tỷ đồng. Kết quả trên đã vượt mục tiêu Nghị quyết 1 năm về tiến độ và đạt 110,29% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015.
Kết quả tổng kinh phí đầu tư cho chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn trong 4 năm qua đạt tới 1.319,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 630,256 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 686,5 tỷ đồng, các doanh nghiệp, cá nhân và gia đình ủng hộ 2,78 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã hiến để làm đường hơn 41.840 m2. Trong đó đã có nhiều điển hình trong phong trào hiến đất làm đường như tại Sơn Dương hộ ông Nguyễn Văn Đáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai hiến 2.143 m2 đất; hộ ông Nguyễn Văn Ngụ, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa hiến 336 m2 đất; hộ ông Ma Văn Viết, thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa hiến 320 m2 đất. Ở thành phố Tuyên Quang có hộ ông Nguyễn Văn Cửu, thôn 3, xã Đội Cấn, hiến 300 m2 đất...
Nhiều địa phương đi đầu và cán đích trước kế hoạch như xã Mỹ Bằng, Chân Sơn, Phúc Ninh (Yên Sơn); Ninh Lai, Minh Thanh, Hợp Hòa (Sơn Dương); Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Phù Lưu (Hàm Yên), Thanh Tương (Nà Hang), An Khang, Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang); Lăng Can (Lâm Bình)... Qua tổng kết phong trào làm đường bê tông, toàn tỉnh có 100 tập thể, 26 hộ gia đình, 90 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; nhân dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; xã Kim Bình (Chiêm Hóa), xã Côn Lôn (Nà Hang) được Bộ giao thông vận tải tặng Bằng khen.
Hiện tỉnh có trên 70% số xã đã có 85% số km đường thôn bản được cứng hóa. Thành công của Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn không chỉ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông nông thôn, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn mà còn là động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết vùng, miền trong quá trình phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong năm 2014 xã Minh Sơn huyện Hữu Lũng(Lạng Sơn) tiếp tục huy động nguồn lực triển khai bê tông hóa nhiều tuyến đường trong xã với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.
Trong những năm qua, xã Minh Sơn có 4 thôn gồm: Hố Mười, Coóc Mò, Cã Trong và thôn Cã Ngoài đang tiếp tục bê tông hóa nối dài 6 tuyến đường trục thôn, liên thôn và 14 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài 6.553m, tổng nguồn kinh phí trên 3,7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ bằng xi măng hơn 1.300 tấn, trị giá trên 1,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp đối ứng bằng công và tiền mặt trị giá trên 2,3 tỷ đồng, hiện nay đã có gần 3 km đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, các tuyến còn lại nhân dân đang khẩn trường thi công để hoàn thành đưa vào sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Với việc thực hiện hơn 6 km đường bê tông trong năm 2014, đã nâng tổng số đường của toàn xã được bê tông hóa lên gần 25km, kết quả này là minh chứng khẳng định xã Minh Sơn là một trong những xã đi đầu trong thực hiện phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn của huyện.
Xã Quê Mỹ Thạnh -huyện Tân Trụ (Long An) là một trong những điểm sáng thực hiện thành công đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn trước khi hoàn thành các tiêu chí khác của nông thôn mới. Từ năm 2008, thực hiện chủ trương của huyện Tân Trụ, xã Quê Mỹ Thạnh đã triển khai đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Sau 6 năm triển khai thực hiện, toàn xã Quê Mỹ Thạnh đã hoàn thành 45 đoạn đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài đạt 24 km, mặt đường rộng từ 2,5 - 3 m. Huyện Tân Trụ đã triển khai thi công được 287 công trình với tổng chiều dài hơn 168 km (chỉ tiêu đề ra 100 km), theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, nhân dân đóng góp 34,5 tỉ đồng và hàng trăm ngàn mét vuông đất cùng hàng ngàn ngày công lao động.
Trong 6 năm thực hiện đề án, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 4,6 tỉ đồng tiền mặt, hàng ngàn mét vuông đất và hàng ngàn ngày công lao động. “Khi bắt đầu triển khai đề án, việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích cũng như trách nhiệm của mình trong việc xây dựng giao thông nông thôn; Đảng viên và những người có uy tín trong cộng đồng cần phải gương mẫu thực hiện trước.
Trong quá trình thực hiện, luôn đề cao tính dân chủ, công khai, minh bạch; để người dân quyết định, bàn bạc, giám sát và quản lý nguồn vốn họ đóng góp. Đó là điều kiện để tạo được niềm tin trong nhân dân, đồng thời là cơ sở để Quê Mỹ Thạnh hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích xã nông thôn mới trong năm 2015.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã có hơn 67% đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa. Qua sáu năm triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2015, đến nay, toàn tỉnh đã bê-tông hóa 1.552 km đường giao thông nông thôn (đạt 105% kế hoạch), và xây dựng 2.386 cống các loại, với tổng kinh phí đầu tư hơn 970 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 444 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 191 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 335 tỷ đồng.
Bên cạnh Đề án phát triển giao thông nông thôn, tỉnh Quảng Nam còn triển khai thực hiện Đề án quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Sau năm năm triển khai Đề án, hiệu quả công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ đã được nâng lên đáng kể, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn tại địa phương.
Với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Triệu Sơn- Thanh Hóa đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các xã, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong gần 5 năm qua, toàn huyện đã cứng hóa được 550 km, chiếm 45,8% tổng chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Đặc biệt, địa phương đã phát động chiến dịch toàn dân tham gia làm đường giao thông mùa khô năm 2009 và 5 tháng đầu năm 2010, qua đó có thêm gần 200 km đường được mở. Nhiều xã đã cơ bản hoàn thành bê tông hóa đường giao thông như: Tân Ninh, Nông Trường, Đồng Lợi, Thọ Vực, Minh Dân trong đó nhiều xã sẽ hoàn thành cứng hóa và bê tông hóa 100% đường giao thông.
Việc huy động đóng góp của nhân dân trong phong trào làm đường giao thông nông thôn được các xã, thị trấn công khai, minh bạch. Qua đó giúp nhân dân thấy được tầm quan trọng của công tác này là mang lại lợi ích cho chính họ, từ đó bà con đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của.
Trước năm 2005 xã Vân Sơn chưa có đường bê tông. Thực hiện Kế hoạch 64 của UBND huyện về phong trào làm đường giao thông nông thôn trên cơ sở huy động sự đóng góp của nhân dân, xã bắt đầu triển khai phong trào. Huyện phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành toàn tuyến Quốc lộ 47; Tỉnh lộ 506; Tỉnh lộ 514; đường cầu Trầu - Nưa, Nưa - Am Tiên; đường 506 đi nhà máy Nam Việt; đường Thọ Tân - Thọ Thế và một số tuyến đường khác. Phấn đấu 100% tỉnh lộ, huyện lộ được nhựa hóa, trên 80% đường thôn, xóm được bê tông hoặc rải cấp phối, 100% cầu lớn được làm mới hoặc tu sửa…
Có thể nói, phong trào làm đường giao thông nông thôn các tỉnh thành trên cả nước là một phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được nhân dân tích cực ủng hộ và huy động được nguồn lực trong dân để thực hiện. Hiệu quả đạt được của các công trình này đã cho thấy tầm nhìn, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của chính quyền các cấp, nhằm hướng đến xây dựng một diện mạo mới cho những vùng đất thuần nông, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của các địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Quỳnh Hạ