Hiện cả nước vẫn còn 2.535 xã khó khăn và các xã này đang gặp rất nhiều trở ngại trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề xuất cần tăng vốn đầu tư, ban hành chính sách đặc thù cho các xã này.
|
Những vùng sâu, vùng xa như xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) việc xây dựng NTM còn rất nhiều khó khăn. Ảnh: N.L |
Miền núi gian nan làm nông thôn mới
Ngày 26.11.2015, Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Ban chỉ đạo) tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp NTM ở những xã khó khăn”. Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM T.Ư cho biết, tính đến hết tháng 11.2015, cả nước có 1.298 xã (chiếm khoảng 14,5% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Thủ tướng Chính phủ cũng đã công nhận 10 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM.
Tuy vậy, trong số gần 9.000 xã trên cả nước, có 2.535 xã khó khăn là những xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bình quân mới đạt khoảng 5,94 tiêu chí NTM/xã, trong khi cả nước là 13,56 tiêu chí/xã.
Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm ở các xã khó khăn chỉ đạt 14,07 triệu đồng, trong khi bình quân cả nước là 24,6 triệu đồng. “Đối với các xã khó khăn, việc đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới sẽ khó khả thi. Do vậy, cần có điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ cho các xã đó” - ông Tiến nhấn mạnh.
Căn cứ vào thực tế trên, Ban chỉ đạo đã đề xuất vốn đầu tư của Nhà nước cho xây dựng NTM tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn (gồm các xã 30a, 30b, huyện miền núi) sẽ cao tối thiểu gấp 4 lần các xã không thuộc diện ưu tiên. Đến tháng 3.2016, T.Ư sẽ thông báo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, với dự kiến vốn ngân sách bố trí cho chương trình NTM 2016-2020 tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn này sẽ ưu tiên dành cho khu vực khó khăn.
Cần xác định mục tiêu phù hợp
" Cần cho phép địa phương được dồn nguồn lực từ các nguồn vốn của T.Ư và địa phương để đầu tư cho các xã miền núi theo lối “cuốn chiếu”, dễ làm trước, khó làm sau, chứ không nên chia đều dàn trải cho các xã như hiện nay sẽ ít hiệu quả”.
Ông Trần Hưng Lợi - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Phú Yên
|
Ban chỉ đạo cho biết, vốn đầu tư của Nhà nước sẽ ưu tiên vào nâng cấp 6 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu- giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, trường học, trạm y tế.
Nhà nước cũng sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ cải thiện các công trình cơ sở hạ tầng gia đình (nhà vệ sinh, nước hợp vệ sinh, chuồng trại hợp vệ sinh); hỗ trợ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng đề xuất sửa đổi các tiêu chí NTM, trong đó hạ một số tiêu chí cho phù hợp với vùng khó khăn.
Ông Trần Hưng Lợi - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Phú Yên cho rằng, với những khó khăn chồng chất, nhiều xã miền núi sẽ khó bảo đảm đạt mục tiêu NTM đúng lộ trình. Do vậy, xây dựng NTM ở những vùng khó khăn cần “liệu cơm gắp mắm”.
Bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, T.Ư cũng cần quan tâm đầu tư kịp thời và đồng bộ các chính sách, làm sao để đầu tư không còn manh mún. Nên ưu tiên quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông-lâm nghiệp theo thế mạnh từng xã, có cơ chế hỗ trợ sản xuất cho phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất ở các xã miền núi, khó khăn.