Kiên Giang: Phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, hiệu quả
14:46 - 03/12/2015
Trong 5 năm tới (2016 - 2020), tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững và hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt hơn 8.000 ha, phát triển nuôi tôm - lúa và quảng canh cải tiến 98.500 ha, phấn đấu đạt sản lượng tôm 80.000 tấn trở lên để cung ứng nguyên liệu sạch, chất lượng cao cho chế biến xuất khẩu.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2016 tỉnh sẽ đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ với các hình thức nuôi thâm canh 2.700 ha ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên; tôm - lúa 77.000 ha; quảng canh cải tiến 17.800 ha tại các huyện vùng U Minh Thượng và Gò Quao; phấn đấu sản lượng đạt 57.000 tấn tôm.

 

 

"Hướng tới thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm, việc sản xuất sản phẩm tôm sạch, sản lượng lớn, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm để vừa nâng cao khả năng cạnh tranh của con tôm trên thị trường, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người nuôi tôm và doanh nghiệp là vấn đề được ngành nông nghiệp Kiên Giang tập trung đầu tư phát triển.” - ông Thao khẳng định.

 

Để vụ mùa tôm năm 2016 đạt kết quả, tỉnh Kiên Giang bố trí vốn từ nhiều nguồn đầu tư hoàn thiện các dự án trọng điểm phục vụ nuôi tôm như: dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận); xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản Bình Trị (Kiên Lương); hệ thống thủy lợi nuôi trồng thủy sản vùng Vàm Răng - Ba Hòn (Hòn Đất - Kiên Lương); hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Thứ Ba - Chống Mỹ - Xẻo Quao - đê biển (An Biên)... Những dự án thủy lợi này khi hoàn thành đồng bộ đảm bảo chủ động và điều tiết nguồn nước nuôi tôm, ổn định môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh phát sinh.

 

 

Ngoài việc đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra, khảo sát vùng và cơ sở nuôi tôm để kịp thời phát hiện, đề ra biện pháp ứng phó hữu hiệu những bất trắc về nguồn nước, độ mặn, môi trường sinh thái, nhất là dịch bệnh phát sinh gây hại tôm nuôi. Đối với quan trắc môi trường, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, sẽ tổ chức định kỳ 2 lần/tháng thu mẫu phân tích môi trường nguồn nước tại 25 điểm đầu kênh cấp nước trên các vùng nuôi tôm trọng điểm, nhằm kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng, địa phương, nông dân và doanh nghiệp nuôi tôm để chủ động sản xuất, có giải pháp ứng phó nhanh với tình huống xấu, bất lợi ảnh hưởng đến tôm nuôi.

 

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở nuôi trồng thủy sản và triển khai thực hiện các chính sách của trung ương, địa phương về phát triển thủy sản hỗ trợ người nuôi tôm, doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở tôm giống phát triển gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, phấn đấu năm 2016 sản xuất ít nhất 3 tỷ con, đáp ứng 40% nhu cầu tôm giống thả nuôi của tỉnh.

 

Năm 2015, tỉnh Kiên Giang nuôi tôm nước lợ trên tổng diện tích 100.885 ha, vượt hơn 12% kế hoạch. Sản lượng khoảng 52.210 tấn, đạt 93,2% kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại gần 11.500 ha do điều kiện thời tiết, môi trường nguồn nước bất lợi. Mặt khác, chất lượng tôm giống chưa đảm bảo, kỹ thuật nuôi tôm hạn chế, thiết kế ao nuôi thiếu hợp lý. Ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao. Năng lực giám sát, cảnh báo, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của ngành chức năng hạn chế và chưa kịp thời. Hệ thống thủy lợi, lưới điện phục vụ nuôi tôm chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ dẫn đến nảy sinh bất cập, hạn chế trong nuôi tôm./.

Nguồn: ĐCSVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo