Ông Lê Minh Hoan (ảnh)- Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh đã ấp ủ một cuộc “cách mạng” về tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp của tỉnh nhà. PV NTNN đã có cuộc trao đổi với người được coi là “thủ lĩnh” của đề án tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp đầu tiên cả nước này.
Hơn 1 năm trước, Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên triển khai đề án TCC nông nghiệp với nhiều chính sách lớn nhằm tổ chức lại sản xuất. Ông có thể cho biết điểm gì làm nên sự khác biệt trong đề án này của tỉnh?
- Đầu tiên, chúng tôi xác định hợp tác xã (HTX) là cứu cánh cho việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nên đã chỉ đạo tập trung triển khai trong đề án. Bởi chỉ có tạo ra sự hợp tác giữa những người sản xuất mới vượt qua cái “bẫy sản xuất nhỏ”, điểm nghẽn trong nền nông nghiệp hiện nay.
Sau đó, Đồng Tháp đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách để hỗ trợ HTX, cụ thể là thành lập Quỹ Hỗ trợ HTX tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Đồng Tháp có chương trình đào tạo cán bộ, sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến nông nghiệp, quản trị kinh doanh rồi biệt phái về đảm nhận chức danh phó giám đốc HTX (thời gian từ 3 - 5 năm).
Trong quá trình thực hiện TCC nông nghiệp, Đồng Tháp không rập khuôn, máy móc, áp đặt các mô hình. Chúng tôi không “mặc đồng phục” cho từng địa phương mà tùy theo điều kiện, quy mô sản xuất, sự “sẵn lòng” của người dân và doanh nghiệp (DN), HTX mà xây dựng từng bước đi phù hợp.
Tín hiệu vui thời gian qua là, tinh thần hợp tác của người dân đã hình thành và lan tỏa. Bà con đã nhận thức rằng nếu không hợp tác với nhau sẽ không đủ sức mạnh để cạnh tranh thị trường, không đủ sức làm đối tượng trong mối liên kết với DN. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, đúng nguyên lý và bản chất của HTX kiểu mới…
Câu chuyện lâu nay mà nhiều người vẫn hay nhắc tới là việc thiếu sự liên kết giữa nhà nông và DN. Vậy, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã làm gì để phát huy vai trò làm cầu nối liên kết?
- Chúng tôi ngày càng nhận ra và khẳng định vai trò dẫn dắt thị trường của DN đối với người sản xuất. DN thông qua thị trường, sẽ đặt hàng người dân về sản lượng, chất lượng, hình thức nông sản, khắc phục tình trạng “sản xuất mù”, “bán mù” như trước đây.
Tuy nhiên, do đề án là một lĩnh vực rộng lớn, hướng đến tinh thần liên kết bền vững để thoát ra cái “bẫy sản xuất nhỏ” như chúng tôi đã đề cập, nên trong quá trình triển khai có những khó khăn nhất định. Sự liên kết trong điều kiện thị trường luôn có sự rủi ro, quy luật cung cầu luôn thay đổi nên dẫn đến xung đột về cách nghĩ và lợi ích giữa các tác nhân tham gia chuỗi liên kết ngành hàng. Đến nay, tính hợp tác và khả năng quản trị của HTX, nhận thức về mô hình HTX kiểu mới vẫn chưa được thẩm thấu.
Hiện tại đã có khá nhiều tập đoàn, DN lớn cả trong và nước đến Đồng Tháp để tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nhưng cũng có nhiều DN cho rằng họ còn gặp nhiều khó khăn việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ?
" Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để DN, bà con nông dân nhận thức rõ đâu là thời cơ, đâu là thách thức thật sự đến với từng thửa ruộng, mảnh vườn, ao cá. Đề án không chỉ là cuộc cách mạng về kỹ thuật, kinh tế mà là một cuộc cách mạng về nhận thức của cả xã hội”.
Ông Lê Minh Hoan
|
-Đồng Tháp cũng đã thu hút được nhiều DN vào nông nghiệp, nông thôn. Đã có nhiều DN đầu tư theo hướng liên kết bền vững, đầu tư công nghệ mới, tiên tiến, cũng có nhiều DN tham gia mua cổ phần trong các HTX để gắn bó chặt chẽ lâu bền hơn với người dân.
Đó là tín hiệu mới, cho thấy ý thức có sự cùng chịu trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro giữa các tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng đã hình thành. Hiện chúng tôi đang đàm phán với Hàn Quốc, Nhật Bản xúc tiến các dự án hợp tác công- tư (PPP) trên lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, so với yêu cầu TCC cả ngành nông nghiệp, số lượng DN đầu tư vào tỉnh vẫn còn ít, nhất là DN đầu tư lĩnh vực công nghệ cao.
Nguyên nhân chính là do các chính sách tác động của Chính phủ vẫn chưa thật sự kích thích các DN đầu tư vào một lĩnh vực luôn chịu nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, chịu tác động mạnh của thị trường nông sản thế giới. Bên cạnh đó, niềm tin về sự hợp tác, liên kết cũng đang là rào cản lớn trong thu hút đầu tư.
Cách đây không lâu, chính tỉnh Đồng Tháp đã tổng kết có tới 16 chính sách hỗ trợ nông nghiệp, mà người dân không với tới được. Nguyên nhân chủ yếu là do các chính sách đưa ra còn ngắn hạn, thiếu tầm nhìn. Trong đề án TCC nông nghiệp của tỉnh, các chính sách được đưa ra cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Đúng là chính sách để hỗ trợ thực hiện đề án thời gian qua chưa thật đồng bộ, phần lớn chỉ mang tính ngắn hạn mà chưa ổn định lâu dài. Các chính sách như: Thu mua tạm trữ, hỗ trợ tín dụng cho DN, HTX chưa đủ thông thoáng để các đối tượng này xây dựng một chiến lược đầu tư sản xuất, kinh doanh với tầm nhìn dài hạn, căn cơ. Các chính sách đôi khi thiếu nhất quán, đơn cử như chúng ta khuyến khích DN liên kết với người dân thông qua xây dựng cánh đồng lớn, nhưng khi phân bổ hạn mức xuất khẩu thì vẫn đánh đồng giữa các DN có liên kết và DN không tham gia liên kết, đầu tư vùng nguyên liệu.
Theo tôi, trong khi DN và HTX cần hướng đến là đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ để làm thay đổi bản chất quy trình sản xuất đến xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường vẫn có sự “phập phù” trong ban hành và thực thi chính sách giữa các bộ, ngành liên quan. Vì vậy, mặc dù chính sách thấy thì hay, nhưng nhìn kỹ lại toàn những điều kiện đặt ra lại làm các đối tượng thụ hưởng “bó tay”.
Xin cảm ơn ông!