Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, doanh nghiệp đóng vai trò không nhỏ trong việc đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn Nguyễn Văn Tiến (Ban Kinh tế Trung ương), doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Điều này thể hiện rất rõ qua việc doanh nghiệp trực tiếp tham gia tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, cải thiện đời sống của người nông dân.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã gia tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cung ứng dịch vụ đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của sản xuất; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, có tác động đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông lâm thuỷ sản sang công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và đô thị. Thêm vào đó,doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật kinh tế- xã hội phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng chậm, các hình thức tổ chức sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hoạt động hiệu quả chưa cao, nên quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động cơ cấu kinh tế diễn ra chậm. Trên thực tế, việc thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng Nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, về tổng thể, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn yếu kém, phát triển chậm, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng chưa được chú trọng, nhất là ở các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long, dịch vụ logistic chậm phát triển là một trở ngại lớn đối với công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Mặt khác, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp so với doanh nghiệp trong nền kinh tế cả về số lượng và quy mô. Dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (NLTS) rất nhỏ. Số lượng doanh nghiệp NLTS từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007, tăng lên 3.635 doanh nghiệp năm 2013 (trong 7 năm tăng 51,6%) nhưng tỷ trọng doanh nghiệp NLTS lại có xu hướng giảm đi từ 1,6% năm 2007, xuống còn chưa đến 1% năm 2013. Điều này cho thấy sự phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực NLTS kém hơn sự phát của doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Mặc dù lĩnh vực NLTS chiếm tới gần 46,7% tổng số lao động của cả nước, nhưng trong khu vực doanh nghiệp NLTS, số lao động chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có xu hướng giảm xuống từ 3,5% năm 2007 xuống còn 2,3% năm 2013.
Lĩnh vực NLTS có nhiều tiềm năng, nhất là về xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn ít đầu tư vào lĩnh vực này. Tỷ trọng các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực NLTS rất hạn chế. Năm 2013, doanh nghiệp FDI chiếm 3% về số lượng doanh nghiệp; 3,72% về số lượng lao động và 5,2% về nguồn vốn. Tính đến năm 2013, chỉ có 109 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực NLTS, chiếm 1,09% tổng số doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế.
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nông nghiệp, nông thôn đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng nhiều thách thức trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng hoá nông lâm thuỷ sản nhập khẩu từ các nước phát triển. Những khó khăn từ nội tại và những thách thức từ hội nhập, đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn Nguyễn Văn Tiến để phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cần triển khai các giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, biết dựa vào dân, khơi dậy tinh thần tự lực, huy động được nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời chú ý đến đặc thù của từng vùng miền và nhu cầu thiết thực của từng địa phương để xây dựng các dự án, đề án phù hợp thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới”; nâng cao vai trò tự chủ của cộng đồng dân cư, vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã; khuyến khích, hỗ trợ, tôn vinh doanh nghiệp có thành tích, sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần rà soát, nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gắn với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng các đề án, dự án có tính khả thi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công khai, minh bạch các quy hoạch, đề án dự án kêu gọi đầu tư; đơn giản hoá các thủ tục đầu tư, trình tự đầu tư, thanh quyết toán vốn. Nhà nước cần có bước đột phá trong việc ban hành những chính sách nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đối với doanh nghiệp, thủ tục triển khai những dự án trong nông nghiệp.
Thứ ba, xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán có tính đột phá, đủ mạnh để huy động nguồn lực của xã hội, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các địa phương thực hiện Chương trình trong những năm tới; có cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hiệu quả cao như nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, giống, chế biến nông sản.
Thứ tư, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân, hợp tác xã theo mô hình xây dựng cánh đồng lớn. Tạo môi trường thuận lợi thu hút, phát triển các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của mỗi vùng miền và nâng cao chuỗi giá trị nông sản./.