Phụ phẩm ở nước ngoài về Việt Nam thành "đặc sản"
08:51 - 08/12/2015
Lý giải về thịt ngoại giá rẻ, một đơn vị bán mặt hàng này cho biết, một số mặt hàng thường là phụ phẩm ở nước ngoài nhưng lại là "đặc sản" của Việt Nam.

Gà Mỹ, bò Úc, Brazil, trâu Ấn Độ, sụn non Tây Ban Nha… có giá rẻ hơn thịt nội, đang được nhiều đơn vị chào bán trong siêu thị, trên mạng, và cả ngoài chợ.

Chị Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) khá bất ngờ khi một cửa hàng bán thực phẩm, rau cỏ trong ngách nhỏ ở gần nhà mời chào khách mua toàn thịt ngoại như gà Mỹ, bò Úc, trâu Ấn Độ, sụn non Tây Ban Nha... Hầu hết những loại trên có giá rẻ hơn so với thịt nội.

Đơn cử, thịt bò Brazil có giá 195.000 đồng/kg, bò Mỹ 190.000 đồng/kg. Trong khi đó, bò Việt, loại thường, giá dao động 220.000-250.000 đồng. Bắp trâu Ấn Độ (thịt lõi) là 195.000 đồng trong khi cùng loại thịt trong nước có giá tới 250.000-350.000 đồng/kg. Đùi gà Mỹ chỉ 50.000 đồng/kg nhưng đùi gà công nghiệp trong nước giá cao gấp 2 lần.

Người bán cho biết, các sản phẩm đều được nhập khẩu về Việt Nam, có giấy chứng nhận, kiểm dịch rõ ràng. Khách mua khá đông, chủ yếu là quán ăn, nhà hàng, thậm chí khách sạn 3 sao. Người mua lẻ cũng khá phổ biến.

"Các loại thịt đều là đồ đông lạnh. Một phần được cửa hàng rã đông bán lẻ. Nhiều người cũng như tôi, tò mò mua một ít, ăn thử thịt Ấn Độ, Brazil có khác gì đồ nội không", chị Linh nói.

Một đơn vị ở Đống Đa, Hà Nội cũng chào bán nhiều loại thịt ngoại trên mạng với giá phần lớn là rẻ hơn so với thịt nội. Trong đó, đùi gà trống Mỹ 85.000 đồng/kg, thịt lõi bắp bò Úc 290.000 đồng/kg...

Đơn vị này còn đưa ra những giấy tờ chứng nhận mua hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch bệnh... với lời quảng cáo: "thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản... Nếu mua số lượng lớn sẽ giảm giá sâu".

Chị Lan, bán thịt ở Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra khá bất ngờ với thông tin trên, bởi theo chị, đùi gà trống và lõi bò thường rất hiếm và đắt đỏ. Đặc biệt lõi bò, giá phải lên tới 400.000 đồng/kg.

Lý giải về thịt ngoại giá rẻ, đơn vị bán trên cho biết, một số mặt hàng thường là phụ phẩm ở nước ngoài nhưng lại là "đặc sản" của Việt Nam.

Theo số liệu của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25-30% so với ở Việt Nam. Thịt bò Úc - loại nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ, sau khi trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch... là khoảng 170.000-180.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò nuôi tại Việt Nam giá trên dưới 200.000 đồng/kg.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, thịt bò Úc nhập vào Việt Nam là hợp lý, bởi điều kiện và quy mô chăn nuôi tại quốc gia này có thể sản xuất ra những con bò rẻ như vậy.

"Khó mà đem so sánh chăn nuôi bò tại nước ta với ngành công nghiệp nuôi bò của Úc. Úc có đồng cỏ rộng, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, lại không mất công chăm sóc. Giống bò Úc phát triển nhanh, trọng lượng cao hơn giống bò ta rất nhiều. Bò trong nước chỉ đạt 200-250 kg/con trong khi bò Úc 500-700 kg/con", ông chia sẻ.

Thừa nhận việc thịt ngoại tràn vào Việt Nam là điều bình thường, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam nói với Zing.vn: "Chúng ta phải thay đổi. Khi TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm dần về 0% thì thịt ngoại còn tràn vào nhiều hơn nữa".

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam phải phát triển mạnh các trang trại lớn để có lợi thế nhờ quy mô, áp dụng công nghệ và cách thức quản lý hiện đại. "Điều này sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, giúp hàng nội đứng vững trước làn sóng nhập khẩu thịt ngoại", ông Lịch nhận xét. 

 

Tháng 5.2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã cho phép 106 doanh nghiệp, đơn vị chế biến sản phẩm chăn nuôi, gia súc, gia cầm đủ điều kiện được phép nhập khẩu thịt vào Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, năm 2015, dự kiến, Việt Nam sẽ chi khoảng 300 triệu USD để nhập thịt bò.

 

 
Theo Ngọc Lan (Zing)
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo