Theo PGS.TS Bùi Văn Chính, có lẽ ngay cả những người thiết kế dự án LCASP cũng không tưởng tượng được sức lan tỏa của chương trình lại nhanh và triển khai nhanh như thế.
“Không chỉ hướng tới một nền SX nông nghiệp thân thiện môi trường, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) còn tham vọng những đích đến to lớn hơn, đó là biến chất thải, phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi thành những sản phẩm có tính thương mại”.
PGS.TS Bùi Văn Chính (ảnh), nguyên Trưởng bộ môn Nghiên cứu dinh dưỡng và môi trường (Viện Chăn nuôi) nhận xét về ý nghĩa to lớn của dự án LCASP.
Lan tỏa đến từng hộ dân
Theo PGS.TS Bùi Văn Chính, có lẽ ngay cả những người thiết kế dự án LCASP cũng không tưởng tượng được sức lan tỏa của chương trình lại nhanh và triển khai nhanh như thế.
Chỉ sau 3 năm thực hiện, 10 tỉnh tham gia dự án đã xây mới được 24.000 công trình biogas cỡ nhỏ. Trong khi đó, mục tiêu của dự án cho cả giai đoạn 2013-2018 là 36.000 công trình.
Với những bước “chạy nước rút ngoạn mục”, có tỉnh đã đạt kế hoạch xây/lắp công trình khí sinh học cho cả giai đoạn. Điển hình là Bắc Giang với khoảng 4.500 công trình.
Điều gì đã làm nên kỳ tích này, thưa ông?
Trước hết phải thấy rằng, Bộ NN-PTNT có nhiều dự án phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đem lại hiệu quả rất tốt. Vì thế, những dự án mới được nhân dân tin tưởng. Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ những chương trình trước, lần này Ban Quản lý dự án LCASP tận dụng mọi hình thức tuyên truyền: Mở lớp tập huấn ngay tại địa phương, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động.
Điều thuận lợi là dự án có sự phối hợp của một hệ thống khuyến nông “phủ sóng” từ Trung ương đến địa phương. Họ có kiến thức, kinh nghiệm và hăng hái trong công việc. Bởi vậy, việc triển khai tương đối dễ dàng. Dự án cũng trao quyền chủ động cho các tỉnh về kinh phí hoạt động, nên địa phương phát huy được thế mạnh của mình.
Trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó chú trọng đến cả 3 yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường. Vậy, dự án LCASP đóng góp được gì cho sự chuyển mình của ngành?
Theo Cục Chăn nuôi, hằng năm ngành chăn nuôi thải ra khoảng hơn 80 triệu tấn chất thải hữu cơ. Nếu tính như vậy, mỗi người dân sẽ phải xử lý gần 1 tấn chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, đặc điểm dân cư của Việt Nam là 70% sống ở khu vực nông thôn. Như vậy, ước tính 1 nông dân phải xử lý hơn 1 tấn chất thải. Đây là gánh nặng rất lớn.
Nhưng thực tế, nhiều cơ sở chăn nuôi đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp để xử lý chất thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Nhưng cũng còn nhiều nơi làm chưa tốt, làm chỉ mang tính đối phó với cơ quan chức năng. Ở nhiều vùng chăn nuôi, chỉ sau một trận mưa lớn, chất thải tràn lênh láng ra sông suối, ao hồ, đọng lại chỗ trũng gây bức xúc trong nhân dân.
Biến “thứ bỏ đi” thành tiền
Đặc điểm khí hậu của Việt Nam là nóng ẩm, mưa nhiều. Vì thế, dự án LCASP đưa ra giải pháp hàng đầu nhằm xử lý chất thải chăn nuôi là hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học biogas. Khác với các chương trình, dự án trước, LCASP không chỉ hướng hướng tới mục tiêu gia tăng nhanh số lượng hầm biogas, mà còn kèm theo các hạng về môi trường.
Ví dụ, một hộ gia đình nuôi từ 8-10 con lợn, họ xây một chiếc hầm biogas cỡ nhỏ dung tích khoảng 8-12 m3. Nhưng, nếu năm sau giá lợn tăng cao, người nuôi có thể nhân đàn lên tới 20-30 con để chớp thời cơ kiếm lời. Lượng chất thải đổ xuống hầm biogas vượt tiêu chuẩn cho phép nên vẫn còn phân tươi và nước giải đổ ra môi trường gây ô nhiễm.
Với những trường hợp trên, dự án yêu cầu hộ chăn nuôi phải đào thêm một hố ủ phân để xử lý lượng phân thừa thành phân bón. Hoặc, nếu người chăn nuôi sử dụng lượng nước rửa chuồng quá nhiều thì bắt buộc phải xây dựng thêm một bể thu gom để giữ lại bã thải rắn, chỉ đẩy nước thải xuống hầm biogas.
Còn những hộ chăn nuôi quy mô lớn, chúng ta sẽ xây hầm biogas có dung tích vừa (từ 50 m3 đến 499 m3) và lớn (trên 500 m3), sau đó lắp đặt hệ thống phát điện để vận hành các thiết bị trong trang trại như hệ thống quạt gió, máy bơm, đèn thắp sáng…
Thậm chí, chủ hầm biogas còn có thể bán (tặng) điện cho các hộ dân lân cận để lượng khí metan dư thừa không phát tán ra không khí. Những chủ trang trại có nguồn vốn đầu tư hạn hẹp muốn xây dựng công trình khí sinh học có thể vay nguồn vốn tín dụng của dự án với lãi suất thấp.
Ngoài ra, còn một cách khác là xây dựng các cơ sở ủ phân compost ngay tại vùng chăn nuôi. Tất cả phân thải sẽ được gom về một mối để chế biến thành phân bón hữu cơ. Hiện tại, loại phân này trên thị trường rất được giá, nhiều người đã làm giàu từ mô hình này.
Ngoài chất thải chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt cũng tạo ra một lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính rất lớn. Giải pháp mà dự án đưa ra để giải quyết vấn đề này ra sao?
Đúng vậy. Chúng ta biết rằng phế phụ phẩm của ngành trồng trọt cũng là tác nhân không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vì thế, dự án LCASP cũng thiết kế một hợp phần riêng cho hoạt động xây dựng các mô hình SX nông nghiệp các bon thấp.
Dựa trên những đề xuất của các địa phương, BQL dự án đang hoàn thiện các mô hình SX nông nghiệp thân thiện với môi trường. Ví dụ như phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI); chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn; sử dụng phế, phụ phẩm trồng trọt để sản xuất than sinh học…
Hy vọng rằng, khi các mô hình này được triển khai trên thực tế sẽ tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Xin cảm ơn ông!