Khánh Hòa: Đẩy nhanh cho vay theo Nghị định 67
16:51 - 15/10/2015
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức buổi họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 nhằm đưa ra hướng xử lý đối với các trường hợp bị vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay theo Nghị định 67.
Đánh bắt xa bờ là thế mạnh của ngư dân miền Trung

Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Hoài Chiểu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Khánh Hòa, cho biết, thời gian qua Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh liên tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho khách hàng được vay mức cao nhất có thể theo quy định của Nghị định 67 và không bắt buộc chủ tàu phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo để triển khai đóng mới, nâng cấp tàu. 
 

Đồng thời, xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo khi chủ tàu tham gia liên kết theo chuỗi SX từ khâu khai thác, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền. Luôn chuẩn bị nguồn vốn cho vay, khẩn trương tiếp cận các chủ tàu là tổ chức, cá nhân ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
 

Tính đến cuối tháng 9/2015, UBND tỉnh đã có 3 quyết định phê duyệt danh sách chủ tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67.
 

Hiện tại, đã có 21 chủ tàu được phê duyệt với 27 tàu trong đó gồm 17 tàu đóng mới và 10 tàu nâng cấp, tổng nhu cầu vay vốn khoảng 215,7 tỷ đồng. Trong số 21 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 6 chủ tàu, số tiền cho vay gần 30 tỷ đồng và giải ngân được 11,8 tỷ đồng. Hiện còn 15 chủ tàu vẫn chưa ký hợp đồng tín dụng.
 

Theo ông Chiểu, 15 chủ tàu chưa được ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng nguyên nhân chủ yếu là do chủ tàu đóng tàu tại cơ sở đóng tàu chưa được UBND tỉnh phê duyệt (1 chủ tàu), chủ tàu không còn nhu cầu đóng tàu (1 chủ tàu), chủ tàu chưa có nhu cầu vay vốn (3 chủ tàu), còn lại 10 chủ tàu chưa hoàn chỉnh hồ sơ vay nhiều lý do như thiết kế chưa được duyệt, dự toán…
 

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đã chỉ ra những hạn chế dẫn đến tình trạng giải quyết chậm trễ cho ngư dân vay vốn trong thời gian qua như: Việc thiết kế và phê duyệt thiết kế tàu vẫn còn nhiều bất cập chưa phù hợp với tập quán và ngành nghề địa phương, một số cán bộ tín dụng ngân hàng chưa tiếp xúc nhiệt tình và hướng dẫn cụ thể với ngư dân mong muốn được vay vốn theo Nghị định 67, tổ tư vấn giúp việc của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 chưa phối hợp tốt với ngân hàng và UBND cấp huyện để trả lời cho dân đối với những trường hợp bị trả lại hồ sơ vay vốn…
 

Ông Bản kiến nghị, các ngân hàng thương mại chỉ đạo các cán bộ tín dụng tích cực tiếp cận chủ tàu và hướng dẫn cụ thể kịp thời các thủ tục quy định của ngân hàng để các chủ tàu nắm bắt thủ tục rõ ràng. Đồng thời báo cáo kết quả thẩm định phương án SX kinh doanh của chủ tàu về Sở NN-PTNT theo quy định để thuận tiện cho việc xét duyệt trình UBND tỉnh.
 

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh sớm ban hành hướng dẫn cụ thể những trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với chủ tàu và DN theo chính sách của Nghị định 67.

Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị UBND cấp huyện, thành phố cần lựa chọn những chủ tàu có tâm huyết với nghề để giúp ngư dân tiếp tục bám biển. Mục tiêu từ nay đến cuối năm cần sớm hoàn thành tất cả thủ tục cho 17 chiếc tàu đóng mới.
 

Đối với những trường hợp ngư dân đóng tàu composite thì cơ sở đóng tàu phải đủ điều kiện được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước, nếu người dân chọn cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện thì dừng lại không cho vay nữa.
 

Các cơ quan liên quan cần xem lại tại sao một số trường hợp chủ tàu đã đăng ký vay theo Nghị định 67 bây giờ họ lại rút hồ sơ để vay thế chấp thông thường, nguyên nhân do cán bộ, nhân viên sách nhiễu hay do quy trình chậm trễ nên ngư dân không muốn vay theo Nghị định 67 nữa. Ngoài ra, tổ giúp việc cần tham mưu lập hồ sơ vay theo quy trình một cửa để rút ngắn thời gian giải quyết vay cho ngư dân càng sớm càng tốt.

Mạnh Tuấn/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo