Theo các nguồn tin nước ngoài, Indonesia vừa quyết định nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam.
|
Đưa gạo xuất khẩu xuống tàu |
Trong đó 750 ngàn tấn là gạo 15% tấm và 250 ngàn tấn gạo 5% tấm. Thời gian giao hàng là từ nay đến hết quý 1/2016.
Thông tin nói trên cùng việc chuẩn bị giao hàng cho Philippines đang khiến cho giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL tiếp tục tăng nóng trong những ngày qua.
Thông tin từ các DN cung ứng gạo XK cho thấy giá gạo nguyên liệu IR 50404 đã ở mức 6.600 đ/kg, tăng 300 đ/kg so với cuối tuần rồi. Gạo nguyên liệu hạt dài hiện ở mức 6.700-6.800 đ/kg.
Gạo thành phẩm 5% tấm loại thường cũng đã từ mức 7.100 đ/kg hồi cuối tháng 9 tăng lên thành 7.600 đ/kg, gạo 5% tấm hạt dài hiện ở mức khoảng 7.800 đ/kg, thậm chí là 8.000 đ/kg với gạo 5% tấm từ vụ đông xuân. Giá lúa hè thu mua tại ruộng (lúa cắt bằng máy) ở ĐBSCL cũng tiếp tục tăng 100-200 đ/kg so với đầu tuần này.
Giá giao dịch gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua cũng liên tục tăng nhanh. Gạo 5% tấm hiện đã ở mức 345-355 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 330-340 USD/tấn. Như vậy, giá gạo 25% tấm của Việt Nam hiện đã ngang bằng với giá gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan từ 15-35 USD/tấn. Còn giá gạo 5% tấm chỉ còn kém gạo cùng loại của Ấn Độ 10 USD/tấn và cao hơn Pakistan 40 USD/tấn.
Tuy nhiên, niềm vui ký được hợp đồng lớn lại đi kèm với nỗi lo về nguồn cung ứng gạo cho hợp đồng đi Philippines và Indonesia (tổng cộng 1,45 triệu tấn gạo), giao trong quý 4/2015 và quý 1/2016. Bởi hiện nay, ngoài 2 hợp đồng tập trung nói trên, các DN vẫn còn khoảng 1,2 triệu tấn gạo ký theo các hợp đồng thương mại, cần phải giao hàng từ nay đến cuối năm.
Trong đó, đáng chú ý là hợp đồng từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc, vào khoảng 700 ngàn tấn. Khách hàng Trung Quốc thường có thói quen khi giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm so với giá mà họ đã ký hợp đồng, thì họ sẽ hủy hợp đồng, không mua nữa. Nhưng khi giá gạo Việt Nam tăng với lúc họ ký hợp đồng mua gạo, thì họ sẽ đòi DN Việt Nam phải giao hàng đầy đủ. Vì vậy, các DN Việt Nam chắc chắn vẫn phải thực hiện gần như toàn bộ hợp đồng thương mại đã ký.
Như vậy, áp lực nguồn cung để thực hiện cho các hợp đồng đã ký với Philippines và Indonesia là không nhỏ, khi mà lượng gạo còn tồn trong kho của các DN hiện chỉ khoảng 1,5 triệu tấn. Mà trên đồng ruộng ĐBSCL, lúa hè thu đã cơ bản thu hoạch xong, lúa thu đông thì mới thu hoạch rải rác.
Trong khi đó, mùa vụ ở Thái Lan đang gặp khó khăn do hạn hán, ảnh hưởng tới sản lượng lúa gạo nước này. Điều đó có thể sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung gạo hàng hóa của Việt Nam, bởi thay vì bán sang Việt Nam như lâu nay, gạo Campuchia nhiều khả năng sẽ đi sang Thái Lan.
Dầu vậy, việc ký được hợp đồng lớn, cung ứng tới 1 triệu tấn gạo cho Indinesia, cũng là một tín hiệu vui làm khởi sắc xuất khẩu gạo nước ta trong những tháng cuối năm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 9 tháng qua, nước ta mới chỉ xuất khẩu được 4,351 triệu tấn gạo, trị giá 1,81 tỷ USD (giá FOB). So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo đã xuất khẩu giảm 437 ngàn tấn và giá trị giảm 260 triệu USD. Đồng thời, việc ký được hợp đồng xuất khẩu nói trên sẽ là một tác nhân quan trọng làm tăng giá lúa gạo hàng hóa trong nước.