Xuất khẩu gạo: Vừa “ngủ quên”, vừa “nổ”
10:10 - 01/10/2015
Nhìn nhận 30 năm đổi mới, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị đã nhắc lại những con số cực ấn tượng của lúa gạo. Chẳng hạn cái mốc bắt đầu xuất khẩu gạo với 1,370 triệu tấn năm 1989, và đỉnh cao 7,736 triệu tấn 2012...

Ảnh minh họa

Nhưng ông Nhị cũng nói đến 2 điểm yếu chí tử. Đó là việc chúng ta để nông dân làm nông nghiệp một cách “tự nhiên chủ nghĩa” cũng trong suốt 30 năm qua và nay thì phải trả giá.

Còn “chúng ta” thì ngủ trên tiềm năng”, “hát hoài bài ca cây lúa” một cách hồn nhiên với ngôn ngữ mặc định là “nổ như bắp rang” trên mọi diễn đàn.

Trả giá vì gạo chất lượng thấp giá rẻ dành cho “người nghèo - nước nghèo” khiến cho đến giờ “Việt Nam không có gạo thương hiệu”. Trả giá, vì ngay cả “gạo nghèo”- cho người nghèo giờ cũng đang ế vì “không ai chịu nghèo mãi để ăn gạo nghèo của ta”.

Một cái nhìn tuyệt đối chính xác về thực trạng hạt gạo, cho dù điều này đã được nói cả chục năm nay rồi!

Cái đáng chú ý chỉ là hai chữ “chúng ta”.

Bởi hôm qua, lại có người nhắc đến chúng ta, kèm liền hai chữ “ù lỳ”: 8 tháng đầu năm nay, trong 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chỉ Việt Nam xuất khẩu giảm.

Người nói là Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam Huỳnh Thế Năng.

Cụ thể: 4/5 nước đều tăng giá trị là Mỹ: 34%; Pakistan 20%; Ấn Độ 18%; Thái Lan 2,2%. Riêng Việt Nam chơi một mình một kiểu, giảm 13% về giá trị.

Nguyên nhân, theo ông Năng, vì “chúng ta quá ù lỳ”. Ù lỳ suốt từ 2008 khi có tới 4 dấu hiệu, từ nguồn cung- đa dạng hơn, đến giá cả- bị cạnh tranh gay gắt hơn; cho đến khách hàng- nhu cầu giảm đi trông thấy. Và chúng ta “ù lỳ” ở nghĩa không chịu thay đổi- hay nói như ông Nhị là vừa “ngủ quên”, vừa “nổ như bắp rang”.

Hậu quả của ngày hôm nay là 13% giá trị giảm trong chỉ 8 tháng. Nhưng hậu quả lớn hơn là không có gạo thương hiệu, là bị thị trường “đánh bật ra ngoài”, là “gạo nghèo” giá trị thấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không thể lọt vào thùng gạo của nhà giàu như Mỹ, EU. Và ghê nhất là chuyện ngay cả khi bị đập tơi tả, ngay cả khi thất bại thảm hại chúng ta cũng vẫn “chưa xác định được phân khúc tham gia” (thị trường thế giới).

Lỗi tại chúng ta- đương nhiên. Chỉ có điều mà ngay chính nông dân có lẽ cũng băn khoăn: Vậy thì, với tư cách là một địa chỉ của thất bại, của trách nhiệm- chúng ta là ai? Vậy “chúng ta” phải làm gì để thoát ra khỏi mớ bòng bong: Làm gạo nghèo- tự hạ giá rồi chẳng biết bán cho ai vì không ai chịu nghèo mãi để ăn gạo nghèo (!?) 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo