Từ một loài cây hoang dã, trái chín rụng rơi đầy gốc vào mùa thu mỗi năm, giờ đây quả táo mèo (còn gọi là sơn tra) đang trở thành hàng hóa bán chạy về miền xuôi. Người dân Tây Bắc đã bắt tay trồng táo mèo, doanh nghiệp đã vào cuộc sản xuất rượu vang táo mèo, mở ra hướng chế biến loại quả nhiều hương vị hấp dẫn này.
Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Tại Tây Bắc, cây táo mèo phân bố chủ yếu ở vùng có độ cao từ 1.000m trở lên, tập trung tại nhiều huyện: Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu (Sơn La); Tuần Giáo (Điện Biên); Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, Si Ma Cai (Lào Cai)... Nhiều năm trước, nhiều người ví von quả táo mèo như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, là thứ cây hoang dại và người đi rừng chỉ hái ăn cho vui.
Hiện là mùa thu hoạch quả táo mèo của đồng bào Mông ở vùng cao Tây Bắc (ảnh: Táo mèo ở nhà anh Mùa Dũng Dua, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: Kiều Thiện
“Quả này vừa chua, vừa ngọt, có cả vị chát nhưng thơm nên bà con vùng cao chúng tôi thường bứt về ăn chơi, chấm nó với chẩm chéo hoặc muối trắng, ăn cũng thấy ngon. Có khi thái lát quả ra ăn với những đồ sống. Trước kia quả táo mèo chả bán được cho ai nên đến mùa là rụng đầy gốc, bỏ thối. Bây giờ thì thành hàng hóa rồi, tuy giá chưa cao nhưng cũng chẳng còn bỏ phí nữa” – anh Lù A Sáy, dân bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) chia sẻ với chúng tôi.
Xã Tà Xùa là một trong những “vương quốc táo mèo” của huyện Bắc Yên. Cụm 5 xã vùng cao của huyện này hầu như không có mùa hè với những chòm núi quanh năm mây phủ. Ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, quả táo mèo của Bắc Yên không to nhưng có hương rất thơm và vị ngọt đậm đà hơn hẳn các vùng khác. “Từ khi có cái nhà máy chế biến rượu vang táo mèo thì quả táo mèo được nhiều người hỏi đến. Không chỉ bán táo mèo cho nhà máy mà số khách mua táo tươi để vận chuyển đi nơi khác, làm quà cũng tăng lên rất nhanh. Trước đây, táo mèo là cây hoang dã, bây giờ táo mèo được trồng ở nhiều nơi như thứ cây xóa đói, giảm nghèo. Mùa táo chín, thương lái tìm đến tận nơi đặt hàng và tự vận chuyển, sướng như bán sắn, bán ngô” – anh Lù A Sáy hào hứng kể.
Còn với anh Sông A Mang - người dân tộc Mông ở bản Cáo A, xã Làng Chêu, huyện Bắc Yên, thì loại cây này còn hơn cả sắn, ngô: “Hơn 4ha rừng táo mèo của tôi năm vừa qua cho thu về hơn 80 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng ngô. Cây táo mèo không cần chăm sóc nhiều như ngô, lúa nên thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích hơn nữa. Mấy năm gần đây, người vùng cao Bắc Yên đã trồng mới hàng trăm ha cây táo mèo; Nhà nước còn hỗ trợ chúng tôi cây giống để tăng thêm diện tích đấy”.
Đầu vào tiềm năng cho doanh nghiệp chế biến
Từ những thông tin khoa học về tác dụng của quả táo mèo với sức khỏe con người nên thị trường của quả táo mèo ngày một mở rộng hơn, dẫn tới kích thích người dân tham gia sản xuất hàng hóa với loại cây này. Anh Mùa Dũng Dua - người dân tộc Mông trên đỉnh đèo Pha Đin, ở bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Trước đây, tuy làm kinh tế trang trại nhưng tôi chỉ trồng cây thông và dành một ít đất để trồng lúa xen với dưa mèo và một số cây dược liệu khác. Nhưng 5 năm trở lại đây, không chỉ nhà tôi mà cả bản này và những vùng lân cận, nhà ai cũng trồng cây táo mèo. Có hộ có tới vài chục ha như nhà ông Lường Văn Hợp ở bên xã Long Hẹ của huyện Thuận Châu. Chính vì có quả táo mèo mà dân bản Lồng hình thành nên cái chợ nông sản trên đỉnh đèo Pha Đin này đấy”.
Trên đất Phiêng Cằm của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cây táo mèo cũng được người dân quan tâm phát triển. “Táo mèo là cây bản địa, dễ trồng, lại hợp với khí hậu lạnh giá ở đây nên dù không thuận lợi về giao thông, giá quả bán ra còn thấp nhưng người dân vẫn phát triển cây táo mèo. Mùa táo chín kéo dài tới vài ba tháng và quả cũng dễ bảo quản tươi nếu không bị giập, nên nó là hàng hóa tốt cho vùng cao, vùng sâu. Những khi khó bán, chúng tôi thái quả ra phơi khô rồi bán dần” – anh Nguyễn Văn Phương – người thu mua nông sản có tiếng ở xã Phiêng Cằm, bảo vậy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích cây táo mèo bây giờ tập trung cao nhất vẫn là ở Sơn La với khoảng hơn 3.000ha, năng suất đạt khoảng 4- 6 tấn quả/ha. Trong vòng 5 năm tới, sản lượng táo mèo sẽ tăng lên rất mạnh vì nhiều diện tích trồng mới sẽ cho thu hoạch và người dân cũng đã bắt đầu áp dụng những biện pháp chăm sóc cây trồng đầu tiên với loài cây hoang dã này: Tỉa lá, bón phân, diệt sâu bệnh, thu hoạch đúng chu kỳ, bảo quản quả tươi đúng cách hơn...
Tuy cây táo mèo đang được nhiều địa phương vùng Tây Bắc quan tâm phát triển như một lơi thế hàng hóa lớn nhưng trên thực tế, sự đầu tư ấy vẫn chưa đủ tầm để cây táo mèo thật sự phát huy sức mạnh hàng hóa trên thị trường. Hiện nay sản phẩm từ cây táo mèo chủ yếu vẫn là hàng hóa thô, tức là bán quả tươi. Tuy đã có một vài sản phẩm được chế biến từ quả táo mèo, như rượu vang, nhưng mới dừng lại ở công suất nhỏ.
Với diện tích táo mèo đang phát triển mạnh như hiện nay, các địa phương vùng Tây Bắc cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ, kêu gọi nhà đầu tư để đảm bảo sức lưu thông và chế biến loại sản phẩm này. “Hiện nay, những tư nhân như chúng tôi cũng chỉ có thể tiêu thụ mỗi năm chừng 100 tấn quả tươi bằng con đường đưa về miền xuôi. Như vậy là một phần rất lớn tới hàng ngàn tấn quả tươi táo mèo vẫn đang bấp bênh về giá cả trong khi sản phẩm này có thể thành vùng nguyên liệu lớn cho những nhà máy chế biến thực phẩm: Rượu vang, mứt, nước ép... Nguồn nhân lực tại chỗ dư dôi của vùng cao Tây Bắc cũng là một lợi thế về nhân công cho những nhà đầu tư khi bước vào thị trường này” - anh Phương chia sẻ.
Ông Vũ Đức Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Sơn La cho biết: "Sơn La hiện có khoảng 2.500ha táo mèo tự nhiên và 4.000ha táo mèo được trồng mới, tập trung ở 3 huyện Mường La, Bắc Yên, Mai Sơn (tỉnh có hỗ trợ giống để bà con trồng mới). Các huyện này đã có nghị quyết và quy hoạch cụ thể về phát triển loại cây này".
Về phát triển sản phẩm rượu táo mèo, ông Thuận cho biết, các địa phương có diện tích cây táo mèo lớn đã tích cực tham mưu với các ngành chức năng để phát triển các sản phẩm chế biến từ trái cây này, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.