Thủy sản, thách thức không ít hơn cơ hội
17:04 - 08/10/2015
Thủy sản được coi là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất sau khi TPP được thông qua. Tuy nhiên, cũng có không ít những khó khăn, thách thức với ngành hàng này.
Chế biến tôm XK


Các nước TPP chiếm một vị trí rất quan trọng trong XK thủy sản Việt Nam. Bởi tính riêng trong năm nay, ngoại trừ Chile và Peru, 9 nước còn lại đều là những thị trường XK tiêu thụ thủy sản Việt Nam.

Trong đó, chỉ có Brunei là giá trị NK thủy sản Việt Nam còn khá khiêm tốn khi chỉ đạt chưa tới 1 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay. Còn các thị trường khác, đều đã đạt giá trị NK thủy sản Việt Nam từ 2 con số trở lên.
 

Cụ thể New Zealand 12,897 triệu USD; Malaysia 50 triệu USD; Mexico 61,581 triệu USD; Singapore 66,459 triệu USD; Úc 110,934 triệu USD; Canada 120,68 triệu USD; Nhật Bản 650,177 triệu USD và Mỹ 799,143 triệu USD.

Tính ra, trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản sang các nước TPP chiếm tới 45% tổng giá trị XK thủy sản của nước ta. Vì vậy, thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi TPP chính thức có hiệu lực.
 

Thuận lợi

Việc thuế NK thủy sản trong các nước TPP sẽ được giảm xuống còn 0%, được coi là cơ hội tốt để thúc đẩy XK thủy sản của nước ta. Tuy nhiên, tác động của việc bãi bỏ thuế NK lại khác nhau ở từng thị trường.

Hiện tại, nhiều mặt hàng thủy sản từ Việt Nam khi NK vào Nhật Bản đang có mức thuế NK như sau: tôm 1-2%; các mặt hàng chế biến từ tôm 3,2-5,3%; mực đông lạnh 3,5%; cá ngừ 6,4-7,2%. Khi TPP có hiệu lực, thuế NK các mặt hàng nói trên từ Việt Nam vào Nhật Bản sẽ giảm xuống 0%.
 

Như vậy, TPP sẽ giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường Nhật Bản, mà trước hết là mặt hàng tôm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn giữ vị trí là nước XK tôm lớn nhất vào Nhật Bản với giá trị 252,9 triệu USD, nhưng giá trị này đã giảm tới 18,7% so cùng kỳ 2014. Ngoài các nguyên nhân về nhu cầu, tỷ giá… có một nguyên nhân không nhỏ là giá tôm Việt Nam kém sức cạnh tranh.
 

Năm 2014, giá bình quân của tôm Việt Nam XK sang Nhật Bản là 13,7 USD/kg, trong khi giá tôm của Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia chỉ từ 10,3-13,2 USD/kg. 6 tháng đầu năm nay, giá tôm đông lạnh của Việt Nam vẫn cao hơn 1 chút so với Indonesia, còn giá tôm chế biến thì tương đương với Thái Lan.


Chính vì vậy, khi thuế NK tôm Việt Nam vào Nhật Bản được bãi bỏ theo TPP, chắc chắn giá tôm Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với các đối thủ chính nói trên.

Với sản phẩm cá ngừ XK sang Nhật Bản, Việt Nam đang chịu bất lợi lớn so với 2 đối thủ trong khu vực là Thái Lan và Philippines, vì cá ngừ từ 2 nước này khi NK vào Nhật Bản đều có thuế NK là 0%. Do đó, TPP cũng sẽ tăng mạnh khả năng cạnh tranh cho cá ngừ Việt Nam.
 

Còn với thị trường Mỹ, khi thuế NK thủy sản bị bãi bỏ, sẽ không có tác động lớn tới NK thủy sản từ Việt Nam, vì phần lớn các dòng thuế mà Chính phủ Mỹ đang áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản NK đã tương đối thấp: trung bình là 0,3% đối với các loại thủy sản sống; 4,7% đối với thủy sản chế biến.
 

Mặt khác, trở ngại lớn nhất đối với XK thủy sản Việt Nam sang Mỹ từ nhiều năm nay không phải là thuế NK mà là thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra, vụ kiện chống trợ cấp, chương trình giám sát cá da trơn của Bộ NN Mỹ.

Mà theo các chuyên gia của Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đàm phán TPP hoàn toàn không tác động đến kết quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Mỹ đối với thủy sản Việt Nam.


Nhưng theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, khi TPP có hiệu lực, sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam giải quyết các tranh chấp nói trên với Mỹ một cách bình đẳng hơn.

Ở chiều ngược lại, khi thuế NK thủy sản vào Việt Nam được bãi bỏ, cũng ít nhiều tạo thuận lợn hơn cho các DN chế biến thủy sản XK đang phải nhờ một phần vào nguyên liệu NK, nhất là cá ngừ.
 

Để ngành thủy sản tận dụng được tốt những cơ hội mà TPP mang lại, Nhà nước, các hiệp hội và các DN thủy sản cần phải cùng nhau tạo nên được một ngành thủy sản có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

Theo VASEP, hiện nay, 50% cá ngừ nguyên liệu phục vụ chế biến XK đang phải nhập từ nước ngoài, với thuế NK từ 10-24%, trong khi nước cạnh tranh về XK cá ngừ với Việt Nam là Thái Lan đã bỏ thuế NK cá ngừ nguyên liệu. Bởi vậy, khi thuế NK cá ngừ nguyên liệu từ các nước TPP được bãi bỏ, sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh XK cá ngừ.
 

Thách thức

Tuy nhiên, TPP cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với ngành hàng thủy sản.

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng thách thức có thể còn nhiều hơn cả cơ hội. Trong đó có những khó khăn, thách thức đã tồn tại lâu nay trong ngành thủy sản mà có thể khiến cho những cơ hội có được từ TPP trở nên không có mấy giá trị.
 

Chẳng hạn, giá thành đang là một thách thức lớn với ngành tôm Việt Nam, nhất là khi so sánh với các đối thủ trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia.

So với Việt Nam, nuôi tôm ở Ấn Độ có những lợi thế như giá thức ăn rẻ hơn 30%, giá giống rẻ hơn 50%, tỷ lệ nuôi thành công đạt 70% (Việt Nam chỉ đạt 30%). Vì thế, giá tôm của Ấn Độ đang rẻ hơn giá tôm Việt Nam 1-3 USD/kg (tương ứng với 10-30%).
 

Với sự thất thế khá lớn về giá như vậy, cho dù thuế NK có giảm xuống còn 0% ở thị trường Mỹ, tôm Việt Nam vẫn khó cạnh tranh được với tôm Ấn Độ.

Mặt khác, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, chắc chắn các nước TPP sẽ dựng lên những hàng rào phi thuế quan nhằm bảo hộ sản xuất thủy sản trong nước như yêu cầu về ATTP ngày càng khắt khe hơn, hay kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp…
 

Đây chính là những trở ngại lớn nhất đối với XK thủy sản của Việt Nam trong những năm qua, nhất là vào những thị trường lớn hiện đã tham gia TPP như Mỹ, Nhật Bản, Úc…

Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo