Sáng 6/10, không khí tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) nô nức hơn thường ngày, bởi hôm nay có 3 trong 25 tàu cá nằm trong chuỗi khai thác cá ngừ đại dương bằng thiết bị câu do Nhật Bản chuyển giao xuất bến vươn khơi.
|
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTS Bình Định (người cầm thiết bị) đang hướng dẫn sử dụng thiết bị câu mới |
Chuyến biển có 1 giáo sư chuyên ngành thủy sản với 3 chuyên gia đánh bắt cá ngừ của Nhật Bản cùng 6 tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư thủy sản của tỉnh Bình Định sát cánh cùng ngư dân vươn khơi.
Đích thân bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ra tận cảng cá Quy Nhơn để chào đón, chúc mừng các chuyên gia Nhật Bản và đoàn ngư dân có 1 chuyến biển thành công.
Ngư dân Nguyễn Quê ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), thuyền trưởng tàu cá BĐ-96776 TS (công suất 420CV), cho biết: “Tàu chúng tôi có 6 ngư dân và lần đầu tiên được đón tiếp chuyên gia người Nhật Bản đi trên tàu để hướng dẫn thuyền viên đánh bắt cá ngừ đại dương bằng máy câu do Nhật chuyển giao.
Hi vọng sau chuyến đi này chúng tôi sẽ có thêm kinh nghiệm vận hành thiết bị mới và nhất là học được cách bảo quản cá ngừ đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản”.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, thời gian qua UBND tỉnh Bình Định và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã ký biên bản thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để Bình Định tổ chức chuỗi khai thác, bảo quản và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật.
Chuyên gia Nhật Bản chia tay với bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trước khi tàu xuất bến
Đây là chuyến biển đánh bắt thử nghiệm cá ngừ bằng thiết bị mới của Nhật Bản do chính các chuyên gia Nhật Bản “cầm tay chỉ việc” để ngư dân và các cán bộ kỹ thuật ngành thủy sản Bình Định học tập, rút kinh nghiệm, truyền đạt lại cho ngư dân 22 tàu còn lại cùng tham gia trong chuỗi khai thác để đầu năm 2016 đồng loạt ra quân.
Chuyến đi thử nghiệm lần này sẽ được thực hiện thời gian ngắn do ảnh hưởng bão số 4, từ ngày 6 đến 9/10, vị trí khai thác tại vùng biển miền Trung cách bờ khoảng 60 hải lí.
Ngư dân Nhật bảo quản cá rất kỹ lưỡng, theo quy trình hiện đại nên chất lượng sản phẩm được bảo đảm. Nếu ngư dân Việt Nam khắc phục được điều này thì việc xuất khẩu cá ngừ sang Nhật sẽ không còn gặp vướng mắc. |
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Định xác định chuyến đi này là để hoàn thiện công nghệ, để ngư dân làm quen với thiết bị mới và để cán bộ ngành thủy sản của tỉnh nắm bắt kinh nghiệm thực tiễn sau này truyền đạt lại cho ngư dân các tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương trong tỉnh.
Trong chuỗi liên kết, ngoài sự hỗ trợ về thiết bị công nghệ của Nhật Bản, còn có sự kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản và ngư dân tham gia trong chuỗi sản xuất.
Sau khi ngư dân Bình Định đủ kiến thức thực hiện đánh bắt, bảo quản đúng quy trình, chất lượng cá ngừ được đảm bảo, trong những năm tới Bình Định sẽ đẩy mạnh đánh bắt, đưa mặt hàng này chính thức tham gia sàn đấu giá tại Nhật Bản.
Ba chiếc tàu cá của ngư dân Bình Định ra khơi trong chuyến này
“Đây là lần đầu tiên chuyên gia Nhật đi đánh bắt cùng ngư dân Bình Định với các thiết bị do họ cung cấp. Phía Nhật Bản hỗ trợ công cụ, tỉnh Bình Định hỗ trợ lực lượng tiếp nhận và hỗ trợ ngư dân về hầm bảo quản.
Sau chuyến biển này, chúng tôi sẽ có cuộc họp, các chuyên gia Việt - Nhật cùng ngồi lại với ngư dân để cùng rút những kinh nghiệm”, bà Hà cho hay.
Cùng đi với đoàn chuyên gia Nhật Bản có phóng viên Đài Truyền hình Tokyo, ông Tomonobu Moriyyama. Trao đổi với chúng tôi, ông Tomonobu Moriyyama cho biết, cách câu cá ngừ giữa ngư dân Việt Nam và Nhật Bản không có gì khác biệt, chỉ khác ở phương cách bảo quản.