Hợp tác tiêu thụ rau an toàn
16:33 - 05/10/2015
Lâm Đồng đã và đang phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ rau, củ, quả ổn định về TP.Hồ Chí Minh theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Theo đó, tất cả sản phẩm rau, củ, quả từ Lâm Đồng cung ứng về thành phố đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rau, củ, quả an toàn sơ chế, đóng gói tại Lâm Đồng, trước khi vận chuyển về TP. HCM tiêu thụ.

Ngày 21/10/2011, Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác về sản xuất, tiêu thụ rau, quả an toàn. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xây dựng chuỗi sản xuất rau, củ, quả an toàn. Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hồ Chí Minh ưu tiên tiêu thụ rau, củ, quả an toàn của các cơ sở sản xuất được ngành nông nghiệp Lâm Đồng giới thiệu. Đồng thời, hai đơn vị phải thường xuyên phối hợp kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm rau, củ, quả an toàn, kịp thời thông báo, trao đổi thông tin với nhau về những diễn biến của thị trường, thống nhất các biện pháp xử lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nếu để xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm.
 

Để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai văn bản thỏa thuận này, đầu năm 2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn đến năm 2020 với tổng diện tích 12.500ha, tổng sản lượng 2 triệu tấn/năm, tập trung ở các vùng nông nghiệp Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng. Trong đó, diện tích nhiều nhất là nhóm rau ăn lá (bắp cải, cải xanh, bó xôi...) với tỷ lệ 48%; kế tiếp là nhóm rau ăn quả (cà chua, ớt ngọt, dưa chuột...) với 27%; 20% là diện tích nhóm rau ăn củ (khoai tây, củ dền, cà rốt...) và 5% còn lại là diện tích nhóm rau ăn hoa (atiso, súp lơ...). Cũng trong thời gian này, tỉnh Lâm Đồng đã công bố và ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt” cho sản phẩm rau Đà Lạt và các vùng phụ cận (Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng) đạt các tiêu chuẩn GAP, Organic (hữu cơ)...
 

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Lâm Đồng, cho biết thêm: “Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành lấy gần 11.000 mẫu/20 loại rau để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả sản phẩm vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ đều đạt chất lượng an toàn. Riêng năm 2013 và năm 2014, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho 131 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh với sản lượng gần 684.000 tấn rau, củ, quả/năm.
 

Lâm Đồng hiện­ có 82 cơ sở (tổ chức và hộ nông dân) được cấp chứng nhận sản xuất rau theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic... với tổng diện tích hơn 1.200ha. Những cơ sở tham gia tích cực và hiệu quả chuỗi liên kết cung cấp sản phẩm rau, củ, quả an toàn về TP.Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu đã “hiện thực hóa” văn bản thỏa thuận giữa hai đơn vị có thể kể đến như:  HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt); Trang trại Phong Thúy, Đức Trọng (nay là Công ty TNHH Sản xuất và thương mại nông sản Phong Thúy) hợp đồng với đối tác tiêu thụ ổn định là Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ  Chí Minh; 5 cơ sở, đơn vị (Doanh nghiệp tư nhân Phú Sĩ Nông, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, HTX Xuân Hương, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại nông sản Phong Thúy, HTX Nông nghiệp  Thạnh Nghĩa) tiêu thụ nông sản theo hợp đồng với Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn; ngoài ra, ký kết tiêu thụ nông sản riêng với Saigon Co.op còn có 6 thương hiệu là Anh Đào, Phong Thúy, Thảo Nguyên, Viet Farm, Cao Nguyên và Thảo Mộc; 280 cơ sở, đơn vị, điểm thu mua vừa và nhỏ khác tham gia tiêu thụ rau an toàn tại các siêu thị Lotte, Big C, Metro, Maximax, Aeon và các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức...
 

“Các cơ sở sản xuất rau, củ, quả an toàn từ Lâm Đồng đưa về tiêu thụ ở các siêu thị của TP.Hồ Chí Minh đều được cấp các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic. Hàng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản cùng với Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng, kết quả cho thấy, số mẫu vi phạm không đáng kể...”, ông Nguyễn Văn Lục nói.


Văn Việt/ Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo