Tăng cường các giải pháp tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón
10:02 - 13/10/2015
Ngày 12/10, tại Hà Nội, Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo quốc gia “Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới - định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón”.
Hội thảo quốc gia “Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam, thế giới và định hướng tái cơ cấu nền phân bón Việt Nam” (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, thời gian qua, việc tổ chức quản lý sản xuất, nhập khẩu kinh doanh phân bón và chống phân bón giả (PBG), phân bón kém chất lượng (PBKCL), phân bón nhái nhãn mác (PBNNN) đã được Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, thị trường phân bón vẫn chưa được cải thiện, tình kình PBKCL, PBG, PBNNM vẫn tiềm tàng; thương nhân sản xuất trá hình tinh vi hơn gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân, cho các nhà sản xuất phân bón chân chính và cho sản xuất nông nghiệp.

 

Từ khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP được ban hành, về nguyên tắc việc quản lý phân bón gần như được giao cho Bộ Công Thương; Bộ NN&PTNT tham gia quản lý các loại phân hữu cơ. Trong khi đó, ngành công thương hiện cán bộ còn mỏng, lực lượng của Cục Quản lý thị trường và các Chi cục quản lý thị trường ở các tỉnh, thành còn chưa chuyên về ngành phân bón. Đặc biệt ở các Sở Công Thương các tỉnh, thành hầu hết cán bộ làm công tác quản lý phân bón còn thiếu. Bên cạnh đó, về nhãn mác, bao bì, nhiều đơn vị sản xuất phân bón trong nước khi tuyên truyền đưa thông tin công nghệ quá đà, mang tính giật gân, không đúng sự thật. Nhiều đơn vị nhập khẩu ure, kali,…xuất xứ ở các nước khi đóng bao bì lấy tên đơn vị mình, nhiều đơn vị không làm nhãn phụ theo luật định.
 

Thêm vào đó, quy trình thực hiện chứng nhận hợp quy tốn khá nhiều thời gian bởi sau khi chờ kết quả chứng nhận phù hợp của phân bón vô cơ với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức của Bộ Công Thương chỉ định chứng nhận, doanh nghiệp phải chờ nộp hồ sơ vào Sở Công Thương (khoảng 1 tuần, có nơi 10 ngày) nên doanh nghiệp mất nhiều thời gian để sản phẩm mới có thể lưu thông thương mại trên thị trường, làm trễ tính mùa vụ của sản phẩm mới.
 

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện nay, có khoảng 16.000 cơ sở, doanh nghiệp, công ty vừa kinh doanh vừa sản xuất phân bón. Trong đó, 1000 doanh nghiệp sản xuất phân bón và bán lẻ, tiêu thụ. Hàng năm, nước ta nhập khẩu khoảng 3,7 triệu tấn phân bón, xuất khẩu 1 triệu tấn, sản xuất xấp xỉ 7 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, lực lượng chuyên ngành của 2 Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT vẫn còn rất hạn chế. Thực tế, thực trạng làm giả, nhãn mác, xuất xứ đối với phân bón vẫn là những bất cập còn tồn tại, tuy nhiên, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc phối hợp giữa lực lượng chức năng với hiệp hội và doanh nghiệp.
 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm góp phần phát triển ngành phân bón trong nước. Theo đó, các đại biểu cho rằng, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để các doanh nghiệp có tiêu chí cơ sở trong quá trình thực hiện công bố hợp quy. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành tổ chức hội nghị chuyên đề bổ sung quy hoạch cụ thể và tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón như làm một cuộc cách mạng lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam lành mạnh và khoa học. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế phụ thuộc vào việc nhập khẩu, đồng thời đưa thuế giá trị gia tăng sản phẩm phân bón về 0%. Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, nhập khẩu, thanh tra, kiểm tra,…giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại./.

Bùi Thủy/ Theo Dangcongsan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo