Hình thành 4 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa
10:26 - 13/10/2015
Sau gần 2 năm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu. 

Nhiều loại cây trồng như thanh long, lúa, chanh, bắp, mè, rau màu các loại… chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Phương Khanh (ảnh), Phó GĐ Sở NN-PTNT Long An về những định hướng trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2020.

 

Tái cơ cấu theo từng vùng sản xuất

Long An là một tỉnh nông nghiệp sinh thái đa dạng với nhiều loại cây trồng thế mạnh gắn chặt với từng địa phương, vậy tái cơ cấu nông nghiệp sẽ được triển khai như thế nào, thưa bà?

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Trung ương, UBND tỉnh Long An đã xây dựng Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2014 – 2020 (tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 2/4/2014).
 

Theo đó, sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Trồng trọt (tập trung vào 6 loại cây gồm lúa, thanh long, rau, mè, bắp, chanh); chăn nuôi (tập trung vào con bò sữa, gia cầm và heo); thủy sản (tập trung vào cá nước ngọt, tôm); đầu tư (ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ cho các sản phẩm chủ lực như phát triển hạ tầng, cơ giới hóa, trạm bơm điện, ứng dụng công nghệ cao...).
 

Bên cạnh xác định được đối tượng, lĩnh vực chính cần phải tái cơ cấu, UBND tỉnh cũng chú trọng xây dựng đề án tái cơ cấu riêng cho từng vùng sản xuất, tập trung khai thác thế mạnh của từng địa phương.

Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phải đảm bảo hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Đến nay toàn tỉnh đã cơ bản hình thành được 4 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo lợi thế từng vùng sinh thái.
 

Vùng I là vùng Đồng Tháp Mười, gồm có: Thị xã Kiến Tường, các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và 3 xã phía tây huyện Thạnh Hóa. Ưu tiên phát triển của vùng I là sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; trồng tràm, nuôi thủy sản nước ngọt; nuôi vịt; nuôi trâu, bò.


Vùng II là vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng, gồm có: Huyện Đức Huệ, phần phía bắc huyện Thủ Thừa, 3 xã phía tây sông Vàm Cỏ Đông - huyện Bến Lức và các xã còn lại của huyện Thạnh Hóa.

Ưu tiên phát triển của vùng II là trồng mía, chanh, khoai mỡ, dứa, lúa cao sản, cây lâm nghiệp, một số cây màu được luân canh (bắp, mè, đậu phộng...); chăn nuôi heo, trâu, bò, gà; nuôi thủy sản nước ngọt.
 

Vùng III là vùng phát triển nông nghiệp ven đô, gồm có: Thành phố Tân An, huyện Tân Trụ, Châu Thành và các xã phía nam kênh Thủ Thừa, phía tây sông Vàm Cỏ Tây của huyện Thủ Thừa. Ưu tiên phát triển của vùng III là trồng thanh long, lúa nếp, lúa đặc sản, rau; chăn nuôi gà, bò sữa và nuôi thủy sản.
 

Vùng IV là vùng chịu ảnh hưởng của công nghiệp hóa và đô thị hóa, gồm có: Huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và các xã phía đông sông Vàm Cỏ Đông - huyện Bến Lức. Ưu tiên phát triển của vùng IV là nuôi thủy sản nước lợ; trồng rau, đậu phộng, lúa đặc sản; chăn nuôi bò, trâu, heo.
 

Nhiều lĩnh vực đang đi đúng hướng

Sau gần 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An đã đạt được những thành tựu quan trọng nào?

Nhiều lĩnh vực bước đầu đã đạt những thành tựu đáng kể.

Cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa đang được chuyển đổi mạnh mẽ. Đến tháng 9/2015, diện tích gieo sạ lúa toàn tỉnh đạt trên 519.000 ha, giảm 8.533 ha so với cùng kỳ do chuyển sang trồng thanh long (trên 3.000 ha), chanh (trên 1.500 ha), bắp (trên 200 ha) và một số cây trồng khác...

09-26-33_2chnh

Trồng chanh thương phẩm mang lại thu nhập 200 – 300 triệu đồng/ha cho người nông dân

Sản lượng lúa đạt trên 2.860.000 tấn, tăng 44.456 tấn so với năm 2013, trong đó lúa chất lượng cao đạt 744.000 tấn, chiếm 26% tổng sản lượng lúa.

Chăn nuôi cũng đang phát triển ổn định, đàn bò sữa phát triển nhanh, cụ thể đến tháng 9/2015 toàn tỉnh có 12.051 con, tăng 4.298 con so với năm 2013.
 

Chăn nuôi gia súc, gia cầm đang phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung (toàn tỉnh có gần 500 trang trại). Đã xây dựng được 4 vùng GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc với tổng số hộ là 718 hộ gồm chăn nuôi heo và gà.

Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, đa mục tiêu, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành.
 

Đến nay hệ thống thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười cơ bản đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ khá hiệu quả cho sản xuất; dự án Khu tưới Phước Hòa được đầu tư đã phục vụ tưới tiêu chủ động cho 10.000 ha để hình thành vùng sản xuất thâm canh lúa - đậu phộng, rau màu, bắp - chăn nuôi bò sữa, bò thịt;
 

Về thủy lợi, dự án thủy lợi Bảo Định giai đoạn II cung cấp nước ngọt cho trên 5.000 ha thanh long và 10.000 ha đất sản xuất 3 vụ; các dự án nạo vét kênh Đồng Tiến - La Găng, Mỹ Hòa - An Phong; kênh 79, kênh 61, kênh 28... đã dẫn nước từ sông Tiền để rửa phèn đẩy mặn phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và dân sinh.
 

Kinh tế hợp tác cũng bước đầu có sự phát triển. Các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác đang dần thích nghi với sản xuât hàng hóa và hoạt động đa ngành nghề đem lại hiệu quả cho HTX, tổ hợp tác cũng như hỗ trợ kinh tế hộ phát triển.

Toàn tỉnh hiện có 57 HTX, gồm 42 HTX trồng trọt, 5 HTX chăn nuôi và 10 HTX dịch vụ tổng hợp với 1.410 thành viên; có 2 liên liên hiệp HTX; 1.863 tổ hợp tác với 30.251 thành viên.
 

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh, là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài.

Những kết quả đạt được sau gần 2 năm triển khai thực hiện là cơ sở để UBND tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho giai đoạn 2015 - 2020.

Xin cảm ơn bà!

Minh Sáng- Thanh Sa/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo