Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2015 ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6%. Riêng nhóm hàng nông thủy sản, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,4 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2014.
|
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu có khối lượng giảm tới trên 30% trong 9 tháng năm 2015. Ảnh: VGP/Lê Anh. |
Chuẩn mực hóa khách hàng
Tại hội nghị giao ban xuất khẩu tháng 9 năm 2015 và triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm vừa được Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM, đại diện các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng đã có những góp ý nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông, thủy sản.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Intimex cho biết, ngoài các thị trường tiêu thụ hàng hóa đơn thuần, hiện nay, còn xuất hiện các thị trường đầu cơ trên thế giới.
Khi hàng hóa có vẻ bị thiếu, các thị trường đầu cơ này sẽ ồ ạt mua hàng từ các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà các DN Việt Nam rất hay gặp phải, đó là các thị trường đầu cơ mua ở dạng trả chậm, mua đưa hàng vào kho mới trả tiền, hoặc mua vào thanh toán sau. Việc này dẫn đến tình trạng khi lượng tồn kho của ta quá lớn, không bán được thì họ “quay ngoắt” nói hàng của chúng ta có vấn đề và trả hàng lại, hoặc ép giá xuống.
Ông Nam cho biết: “Khi chúng tôi sang làm việc với một DN kinh doanh gạo của Trung Quốc thì được biết trước đó đã có một DN Việt Nam đưa hàng sang và chấp nhận hàng đưa vào kho rồi mới lấy tiền. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu phải thanh toán tín dụng chứng từ (L/C), phải đặt tiền cọc trước, thì họ vẫn chấp thuận”.
Điều này có nghĩa, các DN tại thị trường đầu cơ, lợi dụng sự “lỏng lẻo” của các DN Việt Nam để quyết định phương thức mua bán. Các DN tại thị trường này phân loại khách hàng, có những khách hàng mua bán theo kiểu “chợ trời”, có những khách hàng cần chữ tín thị họ vẫn mua bán theo tiêu chuẩn.
Chính vì vậy, ông Nam cảnh báo, trong mua bán, các DN nên chuẩn mực hóa khách hàng và chọn lựa khách hàng.
Cũng theo lãnh đạo Vicofa, hiện nay, hàng hóa tiêu thụ tại thị trường Nga rất tốt, tuy nhiên, DN đều phải vòng qua các nước xung quanh trước khi vào thị trường Nga, bởi gặp vấn đề về thanh toán.
Ông Nam đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là Bộ Công Thương, cần có các thỏa thuận, phối hợp với phía bạn để có thể giúp DN thực hiện phương thức thanh toán hàng hóa theo hình thức mua đứt bán đoạn trên nguyên tắc trao đổi hàng hóa.
Rào cản kỹ thuật với thủy sản ngày càng tăng
Một vấn đề mà các DN trong ngành thủy sản hiện nay đang gặp phải đó là các hàng rào kỹ thuật mà các nước nhập khẩu dựng lên.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một DN lớn trong ngành thủy sản cho biết, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế xuất khẩu của Việt Nam sang các nước tham gia hiệp định thấp hoặc về 0%, nhưng họ lại lập nên những hàng rào kỹ thuật rất cao, cao hơn hàng rào kỹ thuật mà nước họ đang sử dụng. Nên DN phải thêm chi phí mới vượt qua hàng rào đó được.
Đồng thời, một số tiêu chuẩn kỹ thuật nước bạn chỉ áp dụng cho Việt Nam mà không áp dụng đối với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu, đã làm giảm sức cạnh tranh của DN.
Để ứng phó với những khó khăn mới này, nhiều DN cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các DN với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương nhằm đấu tranh, gỡ bỏ các rào cản phi lý cho DN xuất khẩu.