Đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tình hình thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực chế biến ngành hàng nông, lâm, thủy sản và nghề muối đã cho những kết quả bước đầu. Trong đó, ngành đã có bước chuyển dịch cơ cấu sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao; xây dựng được các quy trình chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm…
Về tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các ngành hàng đều đã xuất hiện các mô hình liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ cho hiệu quả cao.
Trong đó, riêng ngành mía đường, tất cả các nhà máy đều thực hiện ký hợp đồng đầu tư bao tiêu hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với nông dân trồng mía.
Đối với lúa gạo, vụ Hè Thu 2014, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có tổng số 101 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Tổng diện tích các doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất và thu mua lúa gạo của nông dân là 77.420,4 ha; trong đó, diện tích thực hiện thành công đạt gần 60%.
Với ngành điều, trước đây, dây chuyền liên kết kém nhất, đến nay, đã có các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Đối với ngành thủy sản, hiện nay, ngành đã bước đầu hình thành các tập đoàn nuôi trồng, đánh bắt và chế biến xuất khẩu, tạo ra sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở chế biến thủy sản tự đầu tư sản xuất nguyên liệu để tăng khả năng chủ động và giảm giá thành, đặc biệt là lĩnh vực cá tra (các doanh nghiệp chế biến đã tự nuôi và cung cấp khoảng 70% nguyên liệu).
Đối với sản xuất muối, trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. Sản lượng muối năm sau cao hơn năm trước và đạt trên 1,2 triệu tấn/năm. Năm 2015, sản lượng muối dự kiến đạt trên 1,3 triệu tấn và cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước; diện tích áp dụng tiến bộ kỹ thuật đạt 5.095 ha, chiếm gần 34% diện tích sản xuất.
Về chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm đã cho những kết quả bước đầu. Trong đó, các cơ sở chế biến ngày càng quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm; chế biến nông, lâm, thủy sản đã có sự chuyển dịch cơ cấu sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Chế biến cà phê hòa tan tăng công suất từ 12.080 tấn/năm lên 36.480 tấn/năm; chế biến và xuất khẩu gạo cũng có sự dịch chuyển sang gạo chất lượng cao (gạo thơm, gạo nếp). Đồng thời, các nhà máy đường tận dụng bã mía thừa để phát điện, bã bùn làm phân vi sinh. Hiện đã có 6/41 nhà máy thực hiện đồng phát điện từ bã mía hòa mạng với lưới điện quốc gia, 20/41 nhà máy có xưởng sản xuất phân vi sinh.
Về công tác xây dựng các chiến lược, đề án, quy hoạch thuộc lĩnh vực thương mại, ngành đã chỉ đạo xây dựng và ban hành 6 đề án, quy hoạch liên quan đến thương mại nông, lâm, thủy sản, bao gồm: Đề án phát triển thương mại nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn đến 2020; Chương trình xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020.
Về xúc tiến thương mại thị trường nội địa, ngành đã duy trì tổ chức 2 hội chợ triển lãm quan trọng của ngành gồm: Hội chợ Làng nghề Việt Nam và Hội chợ Agoviet. Thông qua các hội chợ này đã góp phần tuyên truyền, quảng bá các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của các vùng miền; đồng thời giới thiệu các máy móc thiết bị canh tác, chế biến nông, lâm, thủy sản đến đông đảo người sản xuất và tiêu dùng. Trong xúc tiến thương mại thị trường quốc tế, tăng cường đàm phán quốc tế để ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến thương mại như: Hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP.
Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, sản xuất muối, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề tài nghiên cứu cải tiến công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch phơi nước phân tán tại ĐBSCL để chủ động đối phó với biến đổi khí hậu; xây dựng được mô hình liên kết sản xuất ứng dụng kết quả của đề tài, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp chế biến muối để bao tiêu sản phẩm muối cho người dân. Bên cạnh đó, ngành đã xây dựng được 5 quy trình chế biến chè đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, tổ chức công nhận 2 tiến bộ khoa học kỹ thuật về chế biến chè.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai tái cơ cấu trong lĩnh vực chế biến hàng nông, lâm, thủy sản và nghề muối vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, các địa phương và đơn vị còn lúng túng trong triển khai kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch; nguồn lực để thực hiện Đề án tái cơ cấu của Trung ương và các địa phương còn hạn chế...
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu của ngành, theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, ngành chế biến hàng nông, lâm, thủy sản và nghề muối cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm; đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của Kế hoạch hành động phát triển ngành nông nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Thêm vào đó, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến nông, lâm sản và muối; hoàn thành việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đúng kế hoạch; triển khai rà soát, tập hợp các đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ về chế biến thủy sản như: Nghiên cứu sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, tận dụng phế phụ phẩm.
Tiếp tục thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cải tiến công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch phơi nước phân tán tại ĐBSCL”, xây dựng mô hình liên kết sản xuất ứng dụng kết quả của đề tài, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp chế biến muối để bao tiêu sản phẩm muối cho người dân. Mặt khác, triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các đồng muối; trong năm 2015, thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Thuận Hòa Hải, dự án Muối Quán Thẻ.
Về xúc tiến thương mại thị trường quốc tế, trong thời gian tới, tập trung các nguồn lực cho các hoạt động đàm phán đa phương, song phương ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác, làm việc với các cơ quan chức năng của các đối tác nhằm tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường xuất khẩu. Về xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức 2 hội chợ triển lãm quan trọng của ngành gồm: Hội chợ Agroviet và Hội chợ Làng nghề Việt Nam gắn với các hoạt động thi đua khen thưởng của Bộ, trong đó có giải thưởng Bông lúa vàng.
Trong công tác thông tin thương mại, tập trung vào việc tăng cường, dự báo thị trường; kịp thời thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu; quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí trong nước; tổ chức các hội nghị ngành hàng, hội thảo chuyên đề.
Về công tác xây dựng thương hiệu, tập trung xây dựng Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015; trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng chủ lực khác như: Cà phê, hồ tiêu, cá tra, tôm,…/.