Trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) chưa ảnh hưởng nhiều đến các mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải bám sát diễn biến thị trường để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Hải, Trung Quốc là nền kinh tế lớn, việc giảm giá đồng NDT có chủ ý đã tác động đến các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, việc ảnh hưởng chưa phải là lớn.
Đối với mặt hàng dệt may, da giày Việt Nam đang sử dụng phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, việc đồng NDT giảm giá đã giúp cho doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này tiếp cận với nguồn nguyên liệu rẻ hơn. Điều này giúp cho (DN) trong nước tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh được xuất khẩu các mặt hàng này.
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiện phần lớn qua đường tiểu ngạch. Đây là mặt hàng thiết yếu được người dân ở các tỉnh biên giới Trung Quốc tiêu dùng chủ yếu, việc giảm giá đồng NDT ảnh hưởng chưa lớn. Tuy nhiên, về dài hạn những mặt hàng xuất khẩu số lượng lớn như sắn và cao su sẽ có ảnh hưởng.
Đối với nhập khẩu ô tô, theo Bộ Công Thương đến hết tháng 6, nhập khẩu từ Trung Quốc là 16.925 chiếc, trị giá 653 triệu USD. Ô tô nhập từ Trung Quốc gồm nhóm từ 10 - 45 tấn, xe chuyên dùng. Thời gian qua, ô tô nhập khẩu nói chung tăng từ các thị trường khác nhau như: Thái Lan, Ấn Độ và cả Trung Quốc.
Lý giải việc gia tăng nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc, ông Hải cho rằng, các yếu tố làm gia tăng nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc gồm: Lợi thế lớn nhất là vận chuyển bằng đường bộ bằng xe tải khiến chi phí đưa sang Việt Nam thấp; kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải gia tăng; hạ tầng tốt lên nên việc nhập khẩu ô tô, đặc biệt là ô tô tải và các phương tiện chuyên dùng có sự gia tăng.
Đối với thị trường phân bón, Theo Bộ Công Thương, trước việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng NDT để thúc đẩy cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới biên độ tỷ giá ngoại tệ lên +/- 3% và tăng tỷ giá thêm 1% tương đương với việc tăng giá hàng tối đa thêm khoảng 5% là một khó khăn thách thức đối với các nhà nhập khẩu nói chung và những nhà nhập khẩu phân bón nói riêng.
Trước diễn biến của thị trường phân bón hiện nay, các nhà sản xuất phân bón nội địa tại Việt Nam đang có lợi thế, nhất là các nhà máy sản xuất Urê và DAP.
Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng NDT, trước mắt chưa tác động đến các DN của ngành, song Bộ Công Thương cũng lưu ý về lâu dài, khi hàng hóa của Trung Quốc ngày càng rẻ sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng xuất vào Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường truyền thống khác của Việt Nam. Vì vậy, các DN trong ngành cần chủ động, bám sát diễn biến thị trường, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt để đạt hiệu quả cao nhất....
Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên nhiên phục vụ sản xuất và xuất khẩu, do đó phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài. Vì vậy, khi giá cả và chính sách biến động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xuất khẩu 10% và kiểm soát nhập siêu dưới 5% so với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015, Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục duy trì các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu hiệu quả, theo dõi sát diễn biến tỷ giá một số đồng ngoại tệ, đặc biệt là tỷ giá NDT để kịp thời đề xuất biện pháp ứng phó.