Bến Tre: Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm dừa
14:25 - 25/04/2015
Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, hiện diện tích trồng dừa của tỉnh chiếm 40% diện tích trồng dừa cả nước, với khoảng 63.000 ha. Sản lượng hàng năm trên 500 triệu trái.

Mỗi năm, sản lượng dừa ở Bến Tre đạt khoảng 500 triệu trái
Theo thống kê của Hiệp hội dừa Bến Tre, tỉnh cũng đang có trên 163 nghìn hộ dân trồng dừa, nhưng có đến 75% trong số này có diện tích trồng dưới 5 nghìn mét vuông. Do diện tích trồng nhỏ lẻ, phân tán, nên khâu liên kết sản xuất yếu, đầu ra của trái dừa bấp bênh.

Trong tổng sản lượng 500 triệu trái hàng năm, khoảng 20% - 25% được xuất khẩu sang Trung Quốc, còn lại tiêu thụ nội địa. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt 43,3 triệu USD; năm 2010 tăng lên mức 74,64 triệu USD và năm 2014 đạt 191,46 triệu USD.

Thị trường xuất khẩu dừa ngày càng mở rộng, nhưng theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, sản phẩm dừa của địa phương này chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường dễ tính. Đầu ra của sản phẩm dừa phụ thuộc rất lớn vào biến động thị trường. Có những lúc, giá thị trường xuống rất thấp, như giai đoạn 2010 - 2011, giá dừa xuống còn 15.000 đồng/chục (12 trái) và có thời điểm, người trồng dừa không bán được sản phẩm do mình làm ra vì không có thương lái thu mua.

Mặc dù sản phẩm dừa Bến Tre hiện đã có mặt ở 77 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng nông dân trồng dừa thu nhập vẫn thấp. Sản phẩm chế biến từ dừa đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành dừa phát triển bền vững cần vai trò dẫn dắt, liên kết của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là thị trường trực tiếp của người trồng dừa và đóng vai trò tạo ra sản phẩm có giá trị thị trường, giá trị gia tăng. Doanh nghiệp chế biến còn cung cấp cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời, đóng vai trò liên kết giữa ngành dừa Việt Nam với thế giới, quảng bá hình ảnh, sản phẩm dừa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Để doanh nghiệp thực hiện được vai trò dẫn dắt, liên kết, cần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất.

Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) cho biết, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm của các ngành hữu quan để mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm thị trường mới; Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, xúc tiến thương mại; các nhà khoa học nghiên cứu giống dừa chất lượng; doanh nghiệp đầu tư cho nông dân, bao tiêu thị trường đầu ra… Có như vậy, ngành dừa mới phát triển bền vững./.

 

Nguồn: Theo ĐCSVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo