Phát triển cây ăn quả ôn đới ở vùng Tây Bắc: Cơ hội đang tới
12:48 - 25/04/2015
Trong vòng 2 thập kỷ qua, đã có nhiều dự án trồng cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới được thực hiện ở các tỉnh Tây Bắc, bước đầu thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, phần lớn các dự án đều dừng lại ở việc chuyển giao giống mới, tiến bộ kỹ thuật mà chưa quan tâm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, từ trồng trọt đến tiêu thụ. Chính vì vậy, tiềm năng này của các tỉnh Tây Bắc vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Tham quan giống hồng Đài Loan thuộc nội dung đề tài nghiên cứu khả năng thích ứng một số loại cây ôn đới Đài Loan tại Trạm Nghiên cứu Đồn Đèn (Bắc Kạn).
Tiềm năng lớn

So với các tỉnh miền núi phía Bắc, Lào Cai hội tụ nhiều tiềm năng phát triển cây ăn quả ôn đới như quỹ đất dồi dào, khí hậu thuận lợi cùng lực lượng lao động tại chỗ có kinh nghiệm bảo quản, phát triển cây giống. Bên cạnh đó, cơ cấu cây trồng phong phú, năng suất và chất lượng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay cây ăn quả ôn đới chưa phát huy hiệu quả lợi thế về chủng loại giống, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Mặt khác, sản phẩm cây trồng ôn đới đang vướng phải sự cạnh tranh gay gắt từ hoa quả ôn đới có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, địa phương này có nhiều tiểu vùng khí hậu, rất thuận lợi cho phát triển cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới, hiện nay, việc sản xuất theo chuỗi chưa được thực hiện, nông dân vẫn canh tác theo quy mô hộ gia đình, chủ yếu bán trái tươi nên giá trị thu nhập chưa cao, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Hiện, Lào Cai có khoảng 1.899ha cây ăn quả ôn đới, sản lượng 2.723 tấn. Những năm qua, từ các chương trình, dự án, nông dân trong tỉnh đã trồng thử nghiệm được 12 giống đào, 12 giống mận, 25 giống lê, 7 giống táo, 5 giống sơ ri, 7 giống kiwi, 17 giống nho và 6 giống dâu tây. Phần lớn các giống này đều sinh trưởng, phát triển tốt trên đất Lào Cai nhưng chưa thể hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2015 diện tích cây ăn quả ôn đới đạt 2.800ha, năm 2020 đạt khoảng 3.300ha.

Được biết, để hình thành vùng cây ăn quả ôn đới chất lượng cao, thời gian qua, Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đã chủ động tìm nguồn gen, sản xuất cây giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Qua khảo nghiệm đã xác định được giống lê VH6 và đào Pháp chín sớm phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và cho thu hoạch sớm hơn sản phẩm cùng loại có nguồn gốc Trung Quốc. Riêng giống lê VH6 (lê Tai nung 6) được sưu tầm đưa về nghiên cứu khảo nghiệm tại Trại rau quả Bắc Hà từ năm 2002, sau đó được trồng trên diện tích 103ha tại một số hộ cho thấy năng suất và chất lượng quả tốt, thời gian thu hoạch trước giống lê Trung Quốc và lê địa phương khoảng 1 tháng. Cây đào Pháp hiện đã được một số hộ tại Bắc Hà và TP.Lào Cai trồng với diện tích nhỏ, quả to, màu sắc đẹp, chất lượng ngon.

Tại Sơn La, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ôn đới Sa Pa (Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc) cũng đã thành công trong việc “Việt hoá” một số giống cây ăn quả ôn đới. Trong tập đoàn cây ăn quả ôn đới được trung tâm chọn tạo thành công phải kể đến các giống đào: Maraviha, Flora prince, Vivian nguồn gốc từ Mỹ, giống Hakuho nguồn gốc từ Nhật Bản, giống Sunray, Sunwright nguồn gốc từ Australia. Qua theo dõi một số năm, các giống đào này tỏ ra thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu cận ôn đới ở Sa Pa và nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc có độ cao và điều kiện khí hậu tương ứng, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, chất lượng quả ngon. Giống mận Simka và Blackamber thể hiện sự thích nghi vượt trội so với những giống mận khác. Đặc biệt giống hồng Fuji nguồn gốc Nhật Bản phát triển tốt, quả ăn giòn, ngọt, chất lượng cao…

Theo bà Cầm Thị Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La, tỉnh này có hơn 1.000ha có thể xây dựng vùng trồng trái cây ôn đới hàng hóa, trong đó cao nguyên Mộc Châu rất lý tưởng để phát triển nhóm cây này. Tuy nhiên, phát triển trái cây ôn đới còn nhiều bất cập từ sản xuất đến tiêu thụ. Với đặc thù thời gian thu hoạch ngắn, chín dồn dập, việc mua bán lại thông qua thương lái, thu gom với quy mô nhỏ lẻ nên mỗi khi quả chín rộ, nông dân thường bị ép giá.

Việc tiêu thụ sản phẩm thường lâm vào thế bị động, giá cả lên xuống thất thường. Sản phẩm quả chủ yếu là bán ở dạng tươi, không được bảo quản sau thu hoạch nên chất lượng không đồng đều. Những yếu tố này đã và đang cản trở sự phát triển của vùng trái cây ôn đới ở Sơn La.

Phát triển sản xuất theo chuỗi

Theo đánh giá, Tây Bắc là khu vực có đơn vị lạnh cần thiết để trồng các loại cây ăn quả ôn đới yêu cầu đơn vị lạnh thấp và trung bình (281 đơn vị lạnh – CU tại Mộc Châu, Sơn La và 615 đơn vị lạnh – CU tại Sa Pa, Lào Cai). Nhiều chương trình, dự án về phát triển cây ăn quả ôn đới đã thu được những thành công nhất định trong việc giới thiệu, chọn tạo giống mới. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến thu hoạch, tiêu thụ, chế biến. Chính vì vậy, việc Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai dự án “Cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân nhỏ tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam thông qua tăng cường tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường khu vực của các sản phẩm trái cây ôn đới và bán ôn đới” trong 4 năm (2014-2018) dưới sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) với kinh phí gần 1,4 triệu USD đang hy vọng mở ra hướng đi mới cho vùng Tây Bắc.

Dự án sẽ được triển khai tại 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Sơn La với mục tiêu nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình thông qua cải thiện mối liên kết và tính cạnh tranh tại thị trường quả bán ôn đới và ôn đới châu Á và thông qua lập kế hoạch, phát triển ngành sản xuất theo định hướng thị trường. Dự án sẽ tập trung đi vào nghiên cứu các sản phẩm mận, đào, hồng và lê châu Á; hỗ trợ nông hộ nhỏ nâng cao thu nhập thuần thông qua mở rộng sản xuất cây ăn quả ôn đới; cải thiện hiện trạng hệ thống sản xuất, giúp tăng cường tính cạnh tranh và lợi nhuận; cải thiện các chuỗi cung ứng hiện hành và xây dựng các chuỗi giá trị mới.

Bên cạnh việc tổ chức các diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm, đối thoại về chính sách với tần suất ít nhất 1 lần/năm và 2 - 3 lần liên tỉnh trong khuôn khổ dự án, dự án sẽ xây dựng thêm ít nhất 2 chuỗi giá trị mới tại mỗi khu vực sản xuất chính ở Bắc Hà (Lào Cai) và Mộc Châu (Sơn La). Dự kiến sẽ có khoảng 50 nông dân tham gia vào mỗi chuỗi giá trị.

Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh: Sự gắn kết, cùng nhau hợp tác là động lực để đưa kết quả nghiên cứu trở thành hiện thực phát triển cải thiện cuộc sống cho người dân. “Dự án hướng tới cải thiện thu nhập cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ và nông dân thuộc các dân tộc thiểu số thông qua sự tham gia tích cực và bài bản hơn của khối tư nhân,” ông nói.

 “Thực tế và các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, người nông dân vùng cao Tây Bắc đang thiếu và yếu trong việc nắm bắt các thông tin thị trường cũng như hạn chế trong việc tiếp nhận và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác và quản lý sau thu hoạch,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhận định. Do vậy, dự án này hướng tới gắn kết sản xuất và thị trường, thu hút các nguồn đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận cho ngành sản xuất quả ôn đới ở vùng cao Tây Bắc, thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ địa phương, nhà nghiên cứu cấp quốc gia, đội ngũ khuyến nông và khối tư nhân. “Dự án sẽ tìm kiếm giải pháp kinh tế cho các mắt xích yếu trong chuỗi giá trị để kết nối nông dân với thị trường, tạo cơ hội cho người trồng cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới nâng cao thu nhập. Các hoạt động dự án sẽ tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của vùng Tây Bắc là đào, lê, mận, hồng…”, ông Doanh nói.

Hy vọng, với dự án có tính hệ thống này, Tây Bắc sẽ nổi lên là vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới cho hiệu quả kinh tế cao, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, vừa giúp người dân cải thiện đời sống.

Tây Bắc là khu vực nghèo nhất tại Việt Nam, trong đó tỷ lệ nghèo của tỉnh Lai Châu xếp thứ nhất, tỉnh Sơn La xếp thứ 3 và tỉnh Lào Cai xếp thứ 4 trên cả nước. Hiện, khoảng 40- 60% dân số tại các tỉnh trên đang sinh sống dưới mức chuẩn nghèo. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2012, tỉ lệ này vượt quá xa tỉ lệ nghèo của quốc quốc gia  (11%).
Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo