Khi nào hết ùn tắc?
12:50 - 25/04/2015
Từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc nhiều ngày hàng nông sản (chủ yếu là dưa hấu và thanh long) xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cứ “đến hẹn lại diễn ra”. Việc ùn tắc này gây thiệt hại không nhỏ bởi dưa hấu, thanh long,… xuất khẩu tươi, khó bảo quản sau thu hoạch, dễ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan chức năng của ta đã chủ động, tích cực làm thêm giờ, đơn giản hóa thủ tục nhưng cũng chỉ 350 - 400 xe được thông quan một ngày trong khi mỗi ngày có 800 – 1.000 xe đổ về Tân Thanh. Nguyên nhân tình trạng này được cho là, đây là dịp phía Trung Quốc ăn nhiều hàng nhưng lại chỉ tiếp nhận dưa hấu ở duy nhất cửa khẩu Tân Thanh và họ phải lựa chọn, đóng hộp nên thời gian giải phóng một xe hàng vài chục tấn là không ít. Trong khi đó, các xe hàng của ta vẫn ùn ùn kéo về Tân Thanh.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này đã được nhiều chuyên gia, cơ quan báo chí phân tích và chỉ ra từ lâu, đó là sản xuất không theo quy hoạch, thu hái không có kế hoạch, chủ yếu xuất tiểu ngạch, không có kho tạm trữ đối với hàng rau quả, công nghiệp chế biến rau quả quá nhỏ bé và thị trường Trung Quốc là thị trường của những sản phẩm này.

Trong những nguyên nhân này, có nguyên nhân từ phía người sản xuất, có nguyên nhân từ cơ quan chỉ đạo, quản lý sản xuất và có nguyên nhân từ việc xây dựng chuỗi giá trị gia tăng của ngành hàng, có nguyên nhân từ hạ tầng kỹ thuật cho cửa khẩu xuất khẩu hàng tươi sống

Mặc dù rất cố gắng nhưng những giải pháp của các cơ quan chức năng và tỉnh Lạng Sơn đưa ra chỉ là giải quyết tình thế nhằm đảm bảo an ninh trật tự , an toàn giao thông, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp và thông xe được nhiều hơn.

Để giải được bài toán này cần lựa chọn tạo giống sao cho thu hoạch rải vụ, không tạo ra những thời điểm cao trào gây cung quá cầu. Thứ hai là, xây dựng vùng sản xuất đối với từng giống để rải vụ nhưng vẫn đủ khối lượng hàng hóa lớn. Thứ ba là, xây dựng và tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP để mở rộng thị trường. Thứ tư là, có chính sách khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến rau quả để tăng giá trị gia tăng. Thứ năm là, khuyến khích đầu tư kho lạnh bảo quản nông sản tươi sống ở các cửa khẩu với Trung Quốc. Thứ sáu là, cùng với tăng cường giải pháp thông quan, kết hợp đàm phán với phía bạn để tăng thêm cửa khẩu tiếp nhận dưa hấu, thanh long,… Thứ bảy là, tuyên truyền để người dân thực hiện quy hoạch sản xuất. Cuối cùng là, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa qua các phong trào như  phong trào mua dưa hấu ủng hộ nông dân mà thanh niên Quảng Nam đang thực hiện.

Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo