XK nông - lâm - thủy sản quý I/2015: Suy nghĩ từ những con số
12:58 - 25/04/2015
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 3 tháng đầu năm đạt gần 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2014. Các mặt hàng nông sản chính giảm cả số lượng và giá trị, trong đó gạo giảm 28,1% về lượng và 32% về giá trị, càphê giảm 41,4% về lượng và 37,3% giá trị; tính chung, các mặt hàng nông sản chính giảm 15,1% giá trị. Thủy sản, mặt hàng luôn chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của ngành (năm 2014, xuất khẩu thủy sản đạt 8 tỷ USD/hơn 30 tỷ USD xuất khẩu toàn ngành) nhưng mới đạt 1,27 tỷ USD dù đã đi được 1/4 chặng đường (giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2014). Các mặt hàng lâm sản có mức giảm thấp nhất (1,1%)… Tăng trưởng của ngành ước 3% (tăng trưởng GDP cả nước đạt 6,03%).

Thủy sản xuất khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài nguyên nhân khách quan do kinh tế thế giới phục hồi chậm thì nguyên nhân cơ bản khiến xuất khẩu nông sản sụt giảm là do: Sản xuất nông nghiệp của ta manh mún về quy mô nên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Thứ hai, chúng ta chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nên chất lượng sản phẩm không cao. Thứ ba, công tác tiếp thị của các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu. Thứ tư, nông sản của ta chủ yếu xuất thô hoặc sơ chế, mẫu mã chưa hấp dẫn. Thứ năm, chúng ta chưa hiểu rõ thị hiếu thị trường từng khu vực và nắm chưa chắc luật pháp các nước nhập khẩu. Thứ  sáu, sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thứ bảy, thủ tục xuất - nhập khẩu vừa rườm rà vừa chậm chạp…

Các chuyên gia cho rằng, đó là những thách thức không nhỏ cho nông sản Việt khi tham gia ngày càng sâu và rộng trong sân chơi ngày càng lớn nhưng đa dạng và khó tính lại có sự cạnh tranh khốc liệt.

Đó là ý kiến các chuyên gia đơn thuần về kinh tế. Về khía cạnh xã hội, nhiều người cho rằng, gần 60 triệu người Việt Nam đang trực tiếp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp mà giá trị gia tăng của ngành như vậy thì chắc chắn thu nhập của họ cũng sẽ ở mức thấp và đời sống của những nhà sản xuất này sẽ không khỏi khó khăn. Thứ hai là, mức tăng trưởng như vậy cho thấy năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp còn thấp. Thứ ba, điều này cũng cho thấy mức độ cơ giới hóa và trình độ tay nghề của nhà nông chưa cao. Thứ tư, vai trò của quản lý nhà nước và khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu sản xuất và thị trường. Thứ năm, mối liên kết hài hòa giữa nông và công nghiệp còn lỏng lẻo.

Hy vọng, trong hành trình tái cơ cấu nông nghiệp, những điểm yếu của các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chuỗi cung – cầu sớm được cải thiện để nông nghiệp Việt thực sự là nhà cung cấp thực phẩm cho bếp ăn toàn cầu.

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo