Với gần 600 loại phí, lệ phí đang tồn tại, việc cắt giảm 31 loại phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y mới đây được xem là còn quá ít. Nhiều người chăn nuôi mong mỏi cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục lộ trình loại bỏ phí để giảm gánh nặng cho sản xuất.
Tự làm khó mình
Lắng nghe ý kiến của công luận với một động thái tích cực, ngày 7/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 113/2015/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y.
Theo đó bãi bỏ và sửa đổi 14 khoản thu liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí và 21 khoản thu phí thú y ở các khâu khác nhau. Qua quá trình rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy rằng, một số hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực thú y thực hiện lặp đi lặp lại ở nhiều khâu, kéo theo việc thu các khoản phí, lệ phí tương ứng trùng lặp. Ví dụ như khâu vệ sinh tiêu độc phương tiện vận chuyển, niêm phong phương tiện vận chuyển, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật…
Tuy nhiên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, riêng lĩnh vực nông nghiệp hiện còn 90 lệ phí và 937 khoản phí, trong đó có 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí về thú y.
Đây thực sự là thông tin gây sốc cho dư luận khi mà cả “rừng” phí vẫn đang được duy trì, đè nặng lên đôi vai người nông dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Duy Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam chia sẻ, có hàng loạt loại phí “chạy” qua con đường thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccine chứ không đơn thuần chỉ là phí kiểm dịch thông thường. Để đưa được một lọ vaccine ra thị trường, ngành thú y đã 8 lần thu phí. “Như vậy, vô hình chung chúng ta tự làm khó mình khi việc thu phí đẩy giá thành chăn nuôi lên cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong khi đó, để cạnh tranh, chúng ta cần sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hạ” – ông Khanh nhấn mạnh.
Minh bạch, công khai
Điều khiến dư luận quan tâm là với gần 600 khoản phí, lệ phí nhưng số tiền thu được hàng năm của ngành thú y còn khá khiêm tốn. Một chuyên gia thẳng thắn chia sẻ: “Tôi tin rằng có, nếu tất cả phí, lệ phí bằng hóa đơn đỏ, nộp ngân sách Nhà nước thì con số thu được sẽ khác”, nghĩa là vẫn còn những “khoảng tối” trong công tác thu và sử dụng phí.
Theo ông Trần Duy Khanh, cần minh bạch, công khai rõ ràng các loại phí, lệ phí. Đồng thời, để giảm bớt phí, lệ phí, giảm thủ tục phiền hà cho người chăn nuôi và DN, ngành thú y cần xã hội hóa các dịch vụ công. Chẳng hạn, trong cơ cấu lương mà DN trả cho công nhân, ngoài chi phí chăm sóc, còn có phí vệ sinh chuồng trại rồi tiêm phòng dịch bệnh, sát trùng… Nếu ngành thú y lại thu phí những khâu này thì nghiễm nhiên DN thêm một lần nữa mất phí. “Người chăn nuôi đã đóng thuế cho Nhà nước thì cơ quan thú y phải làm tốt chức năng quản lý, còn dịch vụ công thì phải chuyển hóa cho các hội, tổ chức khác” – ông Khanh cho hay.
Về vấn đề này, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, để phù hợp với tinh thần của Luật Thú y và Dự thảo Luật Phí, lệ phí, Cục Thú y sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, xây dựng danh mục phí, lệ phí trong công tác thú y. Đối với các loại phí, sẽ cắt bỏ các hạng mục có thể xã hội hóa để các tổ chức, cá nhân tự thực hiện. Đồng thời thay đổi cách thu phí theo lô thay vì thu theo số lượng như hiện nay, qua đó sẽ giảm mức thu phí khoảng 20 – 50% đối với những lô hàng lớn. Đặc biệt, Cục Thú y cũng dự kiến chuyển sang cơ chế giá đối với một số hạng mục như phí chẩn đoán thú y, phí kiểm tra vệ sinh thú y, phí kiểm nghiệm thuốc thú y. Dự kiến, khi Luật Phí, lệ phí có hiệu lực, sẽ chỉ còn khoảng 60 loại phí, lệ phí liên quan đến kiểm dịch động vật.