“Khi cánh cửa mở ra, chúng ta có thể chủ động tấn công vào thị trường quốc tế, hay ngược lại, chúng ta sẽ bị tấn công và rơi vào thế bị động?", GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp, chia sẻ cùng PV NNVN
|
GS.TS Đỗ Năng Vịnh |
Chưa xứng với tiềm năng
Thưa giáo sư, ngày 17/9/2015, xoài Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Có thể nói đây là một cột mốc mới của ngành rau hoa quả Việt Nam, giáo sư đánh giá thế nào về sự kiện này?
Xuất khẩu rau quả của nước ta liên tục tăng trưởng ngoạn mục trong 5 năm gần đây, đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD năm 2014, trong đó trái cây chiếm gần 90% giá trị xuất khẩu.
Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật đã tuyên bố mở cửa thị trường cho trái xoài Việt Nam.
Đây có thể là mở đầu một cuộc gặp gỡ đầy tiềm năng giữa xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành rau quả nước ta với thị trường Nhật Bản nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
Nhật Bản là một trong 5 quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, xếp thứ 3 về nhập khẩu, chỉ sau Mỹ và cộng đồng EU gồm 28 quốc gia. Hàng năm, nhập khẩu nông sản của Nhật Bản lên trên dưới 60 tỷ đô la. Nông dân Nhật ngày càng già, tuổi trung bình trên 65 tuổi.
Thêm vào đó là biến đổi khí hậu, thiên tai và thảm họa thiên nhiên xảy ra thường xuyên, đe dọa an toàn của ngành sản xuất nông sản. Sản xuất nông nghiệp trong nước hiện chỉ đảm bảo khoảng 40% nhu cầu năng lượng của người Nhật.
Do vậy, có thể nói rằng Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc nông sản nhập khẩu. Lượng rau, hoa quả nhập khẩu vào Nhật cũng rất lớn, đặc biệt là trái cây nhiệt đới như chuối (60% thị trường trái cây nhập khẩu), dứa, xoài và đặc biệt gần đây, nhập khẩu quả bơ tăng trưởng nhanh.
Thu hoạch chuối ở ĐBSCL
Với quan hệ chính trị chiến lược ngày càng gắn bó giữa 2 nước, chắc chắn Nhật Bản sẽ từng bước mở cửa cho nhiều loại mặt hàng nông sản từ Việt Nam. Vấn đề là chúng ta sẽ chuẩn bị như thế nào để chiếm lĩnh thị trường, nắm bắt cơ hội hay không mà thôi.
Do vậy, đây cũng là lúc chúng ta cần suy ngẫm về hiện trạng và triển vọng, sở trường và sở đoản của nước ta trong hội nhập và chuẩn bị hội nhập thị trường rau quả toàn cầu.
Nói như thế có nghĩa là từ trước đến nay chúng ta đã và đang bỏ phí nhiều cơ hội phải không, thưa giáo sư?
Hầu hết các nước nhập khẩu nông sản lớn nhất đã ký kết quan hệ hợp tác chiến lược, toàn diện với nước ta. Chúng ta hoàn toàn có nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng vấn đề đặt ra không hề nhỏ.
Lấy ví dụ cây xoài chẳng hạn. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, năm 2014, sản lượng xoài toàn cầu đạt khoảng 43,3 triệu tấn, tổng thị trường xoài xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD. Trong số 10 nước sản xuất xoài lớn nhất thế giới (năm 2011), có nhiều nước có điều kiện khí hậu và thời tiết rất tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Philippine, Mexico, Nigeria…
Trong năm 2014, khu vực châu Á xuất khẩu xoài thu về 661,7 triệu USD, Việt Nam xếp thứ 10 trong số các nước xuất khẩu xoài ở châu Á, chỉ đạt 1,6 triệu USD, nhưng lại xếp thứ 7 trong số 10 quốc gia nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới (102 triệu USD).
Hãy nhìn Mexico, nước xuất khẩu xoài lớn nhất thế giới (279,0 triệu USD), là nước có vĩ độ, điều kiện khí hậu, thời tiết tương tự nước ta. Mexico ở gần Mỹ, là nước nhập khẩu xoài hàng đầu thế giới. Việt Nam ở sát Trung Quốc là nước nhập khẩu xoài thứ 3 thế giới.
Nhưng chúng ta lại để hai nước xuất khẩu xoài hàng đầu thế giới có nhiều điều kiện tự nhiên xã hội tương đồng là Thái Lan và Philippine chiếm lĩnh thị trường, thậm chí còn trở thành thị trường tiêu thụ thuận lợi cho 2 nước này.
Rồi chuối nữa. Việt Nam nằm ở trung tâm phát sinh cây chuối và là cây ăn quả lớn nhất nước ta. Rất nhiều giống chuối Việt Nam, đặc biệt là chuối tiêu Cavendish, đã là những giống chuối chủ lực của các đồn điền chuối xuất khẩu trên thế giới.
Nhưng cây chuối Việt Nam chưa từng được đánh giá đúng. Nhật Bản nhập khẩu trên dưới 1 triệu tấn chuối mỗi năm và Philippine chiếm khoảng 90% thị phần chuối Nhật Bản. Điều đáng nói ở chỗ, chuối Philippin là chuối nhiệt đới, sản xuất ở vùng nóng quanh năm, không thể so sánh về chất lượng với chuối cận nhiệt đới do Việt Nam sản xuất với hương vị thơm ngọt đậm đà.
Kể cả những năm gần đây, chuối Philippin bị thiệt hại nặng do bão lốc nghiêm trọng, giá chuối ở thị trường Nhật tăng 30%, nhưng vì sao họ lại tìm kiếm nguồn cung mới để giảm phụ thuộc vào chuối Philippin, trong đó có các nguồn cung rất xa như Mozambique ở tận châu Phi, Ecuador ở Trung Mỹ mà không phải chuối Việt Nam?
Các loại quả có múi cũng vậy. Nhật Bản nhập khẩu khá nhiều cam quýt, bưởi chùm, thậm chí nhập khẩu từ rất xa, như từ Israel, với giá thành cao nhưng họ vẫn chấp nhận. Việt Nam cũng nằm ở trung tâm phát sinh của nhiều loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là bưởi.
Bưởi Việt Nam thuộc diện ngon nhất thế giới
Ở các hội nghị khoa học quốc tế, các nhà khoa học thường hỏi nhau bưởi ở đâu chất lượng cao nhất, ngon nhất. Họ nói rằng ở Việt Nam. Bưởi da xanh, Năm Roi... là những hoàng hậu bưởi. Tuy nhiên, sản xuất còn rất manh mún ngay ở ĐBSCL, chưa có hệ thống giống sạch bệnh và tổ chức sản xuất quy mô lớn khiến chúng ta chưa thâm nhập được thị trường.
Đây là những dữ liệu hết sức đáng chú ý và để chúng ta suy ngẫm. Phải chăng chúng ta chưa nhận thức được lợi thế và do vậy, luôn đi chậm, đi sau? Phải chăng chúng ta đã bị động trong phát triển? Khi thị trường mở ra, chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt lấy nó mà lại trở thành đích đến của trái cây ngoại. Với 10 Hiệp định thương mại tự do đã ký và TPP sắp tới, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào thế bị động nếu không có các giải pháp nhanh và quyết liệt.
Vấn đề bức bối
Giáo sư đánh giá như thế nào về con số 1,5 tỷ USD xuất khẩu rau quả so với tiềm năng và lợi thế của chúng ta? Dường như nó chưa thực sự xứng tầm?
Sản xuất và xuất khẩu rau quả là một lĩnh vực khó khăn, luôn gắn liền với công nghiệp bảo quản, chế biến, đầu tư lớn, rủi ro nhiều. Những thành tựu xuất khẩu đã đạt được thật đáng trân trọng. Tuy vậy, nếu xét về tiềm năng và lợi thế của nước ta, thì con số trên đây còn rất khiêm tốn.
Vấn đề bức bối nhất, vướng mắc nhất của ngành rau, hoa quả hiện nay là tổ chức sản xuất. Đa số sản xuất trái cây ở nước ta vẫn dựa vào tiểu nông. Nếu sản xuất rau, hoa, quả chỉ dựa vào nông dân sản xuất nhỏ thì khó có giá trị hàng hóa cao, thương hiệu mạnh.
Cho dù có giống tốt, có điều kiện khí hậu, đất đai tốt, nguồn nhân lực rẻ và dồi dào, thì vẫn không thể thâm nhập chứ đừng nói là chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Sự tham gia của các DN còn quá ít, chưa tổ chức được các vùng sản xuất quy mô công nghiệp.
Muốn khắc phục được các nhược điểm trên đây, vai trò của Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức vùng sản xuất, đổi mới phương thức sản xuất rau hoa quả là một trong các yếu tố quyết định. Nhà nước đã rất mạnh dạn quy hoạch và đầu tư cho các lĩnh vực công nghiệp và phát triển đô thị. Tại sao Nhà nước chưa mạnh dạn mở ra các khu nông nghiệp công nghiệp hóa?
Tôi thường xuyên so sánh Việt Nam với Israel, với Hà Lan. Hà Lan là một nước nhỏ, diện tích và dân số chỉ bằng vùng ĐBSH, nhưng đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nông sản. Trong những năm khủng hoảng kinh tế quốc tế gần đây, Hà Lan vẫn luôn tăng trưởng về xuất khẩu nông sản, đạt giá trị 75-80 tỷ euro/năm. Dù Hà Lan không có ưu thế về rau quả do băng giá, trong một năm đất nước họ chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình trên 15 độ C. Vấn đề ở đây là nhà nước họ có quyết sách lựa chọn nông nghiệp tinh hoa (rau hoa quả là đối tượng xuất khẩu chủ lực) và đầu tư mạnh mẽ vào ngành này.
“Nhìn rộng ra, hiện nay, các đầu vào quan trọng nhất trong lĩnh vực nông nghiệp như TĂCN, phân bón, thuốc BVTV, giống, thiết bị cơ giới hóa, tất cả đều do các công ty nước ngoài chiếm lĩnh ưu thế, thậm chí độc quyền. Tại sao chúng ta có thể phát triển, đầu tư rất nhiều tiền vào các ngành công nghiệp khác nhau, những lĩnh vực mà chưa hẳn chúng ta có lợi thế. Trong khi đó, những lĩnh vực đầu vào rất quan trọng, quy định hiệu quả sản xuất và thu nhập của hàng chục triệu nông dân lại chưa được quan tâm và đầu tư chưa xứng tầm?”. (GS.TS Đỗ Năng Vịnh). |
Hiện nay, tầng lớp trung lưu và người giàu ở các nước tăng lên rất nhanh, nhu cầu ăn chất lượng cao, ăn tinh túy, ăn dinh dưỡng, thực phẩm chức năng cũng cao lên. Đó là những thị trường tiềm năng rất lớn. Chúng ta nên chủ trương hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp tinh hoa.
Rau quả sạch, có chứng chỉ GlobalGAP, có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu các chất chống ô xy hóa, chống lão hóa, chống bệnh tim mạnh, ung thư và các bệnh đường ruột. Việc đầu tư sản xuất rau quả, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng, sẽ nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.
Phải có tầm nhìn toàn cầu, tầm nhìn từ vệ tinh
Để giải quyết những “bức bối” của ngành rau, hoa, quả thì “những việc cần làm ngay” của chúng ta là gì, thưa giáo sư?
Thứ nhất, tư duy kinh tế và phân tích thị trường quốc tế và trong nước phải đi trước một bước, phải nhìn nhận thị trường bằng con mắt sắc sảo, với tầm nhìn từ vệ tinh để xác định thị trường nào sẽ là đích tới trong kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.
Mà muốn có được tầm nhìn từ vệ tinh thì cần phải quan tâm đầu tư phát triển khoa học kinh tế. Nhiều người cảm thấy rất thất vọng với sự phát triển của KH kinh tế ở Việt Nam trong lĩnh vực phân tích, dự báo thị trường quốc tế.
Thứ hai, chuẩn bị tiềm lực KHCN. Bên cạnh việc khai thác các thành tựu đã đạt được trong nước, Nhà nước cần ưu tiên nhập khẩu công nghệ mới, giống mới, đảm bảo giống rau hoa quả và công nghệ sản xuất, bảo quản chế biến tốt nhất, có sức mạnh cạnh tranh cao nhất.
Việt Nam có lợi thế lớn SX chuối nhưng chưa phát huy được
Giống và công nghệ tốt nhất của nước ngoài cộng với đất đai, khí hậu và lao động sáng tạo của nông dân và doanh nghiệp nước ta sẽ tạo ra đột phá phát triển và cạnh tranh.
Thứ ba, thực hiện việc quy hoạch vùng sản xuất. Tạo ra các vùng sản xuất liên xã, liên huyện, liên vùng và liên kết nước ngoài, tạo ra sự thông suốt trong chuỗi hàng hóa chất lượng cao.
Ví dụ, trong khu vực châu Á, có lẽ không có nơi nào thích hợp cho phát triển rau hoa quả như Lâm Đồng.Tỉnh Lâm Đồng có đến 326.000 ha đất có độ cao trên 800 m, khí hậu đất đai lý tưởng cho phát triển rau hoa quả quanh năm.
Tại đây, có thể phát triển công nghiệp rau hoa quả lớn nhất khu vực ASEAN. Với tiềm năng, ta có thể tưởng tượng rau hoa quả từ cao nguyên Lâm Đồng từ trên đỉnh cao tràn chảy xuống các nước ASEAN và sang các châu lục khác…
Thứ tư, Đảng, Nhà nước cần có nghị quyết chuyên về đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp ngay ở kỳ đại hội Trung ương tới. Trong đó có quy hoạch các vùng công nghiệp rau hoa quả cao cấp ở các vùng sinh thái thích hợp cho từng loại rau quả.
Xin cảm ơn ông!