Nhiều hộ nông dân nuôi lợn (heo) cho rằng, họ đã bị cánh thương lái ép phải sử dụng các chất cấm như Salbutamol, Ractopamine… Trong khi đó, lực lượng chức năng cũng như các doanh nghiệp gần như không thể kiểm soát được đội ngũ này.
LTS: Liên tiếp trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả các trang trại sử dụng chất cấm tạo nạc cho lợn. Qua tìm hiểu, phóng viên NTNN được biết, hầu hết các nông dân chăn nuôi liên quan các vụ việc này bị “đổ oan”, việc sử dụng chất cấm chủ yếu do một bộ phận thương lái hoặc trang trại trung chuyển làm ăn không trung thực thực hiện.
Vượt ngưỡng tới 556 lần
Hơn 1 tuẩn kể từ sau khi bị “bêu tên” là trang trại đã sử dụng chất cấm nuôi lợn, chúng tôi đã ghé thăm trại lợn của ông Nguyễn Viết Anh, tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai. Là 1 trong 2 trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) bị Đoàn thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện có dư lượng Salbutamol vượt mức cho phép, nhiều ngày nay ông Anh đã mất ăn mất ngủ, bởi vừa lo bị phạt, vừa sợ công ty cắt hợp đồng gia công.
|
Cảnh pha chế thịt lợn của một chủ hàng trong một ngôi chợ tại Thái Bình. Ảnh: Đàm Duy |
Ông Viết Anh cho biết, gia đình ký hợp đồng nuôi gia công cho C.P từ năm 2008, mỗi lứa khoảng 3.000 con. Tất cả con giống, thuốc, thức ăn chăn nuôi đều do phía Công ty C.P cung cấp, hộ của ông chỉ nuôi và tuân thủ các quy định của công ty. “Chúng tôi không biết chất cấm, chất tăng trọng là gì cả. Công ty giao con giống, giao cám, thuốc và chúng tôi chỉ có việc chăm sóc, cho ăn, quản lý chuồng trại sao cho lợn lớn đều, khỏe, ngoài ra không được quyền làm gì khác” - ông Anh nói.
Khi ngành chức năng mời ông Anh lên TP.Biên Hòa (Đồng Nai) làm việc do có thông tin lợn từ trại của ông bị phát hiện dư lượng Salbutamol vượt mức cho phép, ông đã trình các giấy tờ về nguồn gốc, hợp đồng chăn nuôi, biên bản làm việc trong quá trình hợp tác với C.P. “Gia đình tôi nuôi lợn từ nhiều năm nay rồi, ai dám làm ăn thất đức như vậy. Nếu tôi làm sai thì tôi chịu, đằng này trại lợn chúng tôi đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định của công ty, không đưa thêm chất cấm gì vào thức ăn cả”- ông Anh phân trần. Cũng vì thế, ông ấm ức khi các cơ quan chức năng nói rằng phát hiện chất cấm trong lô lợn mà nhà ông nuôi, bởi trước khi xuất chuồng, nhân viên thú y và cả Công ty C.P đã đến kiểm tra, kiểm dịch thấy không có vấn đề gì mới xuất giấy kiểm dịch an toàn cho xuất chuồng. Nay lại nói rằng có chất cấm thì thật vô lý.
Theo thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, cuối tuần qua, khi đoàn tiến hành kiểm tra, lấy mẫu 6 trại chăn nuôi lợn ở khu vực phường Long Bình, TP.Biên Hòa thì phát hiện 3 trại có sử dụng chất Salbutamol. Trong đó có trại người nuôi đã sử dụng chất này vượt ngưỡng cho phép đến 556 lần, còn lại vượt mức từ 10-24 lần. Về nguyên nhân lợn có dư lượng chất cấm, các chủ trại đều khai mua lợn từ 80 -100kg/con vừa xuất chuồng của các hộ nông dân về nuôi tiếp và dùng chất tạo nạc cho ăn trong vòng 1 tuần đến 20 ngày để lợn có trọng lượng khoảng 130kg/con, sau đó xuất chuồng, chủ yếu đem về TP.HCM đưa ra thị trường.
Lỗ hổng từ phía thương lái?
Trong khi dư luận đang rất bức xúc vì dư lượng thuốc tăng trọng trong thịt lợn liên tục bị phát hiện, thì theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, lỗ hổng trong quản lý lực lượng thương lái đang là nguyên nhân khiến tình trạng sử dụng chất cấm không kiểm soát được.
"Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng đáng báo động và Đồng Nai rất kiên quyết trong xử lý vi phạm. Chi cục Thú y Đồng Nai sẽ tập hợp hồ sơ các trường hợp nói trên gửi qua công an để tiếp tục điều tra, làm rõ”.
Ông Trần Văn Quang
|
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, là vùng trọng điểm chăn nuôi của cả nước nhưng chỉ một phần rất nhỏ nông dân ở Đồng Nai có đầu ra ổn định, phần còn lại phải bán thông qua thương lái. “Lực lượng này sau khi thu gom lợn trọng lượng từ 85 – 100kg về thì tiếp tục cho ăn chất tăng trọng trong 10 – 20 ngày, sau đó, xuất bán ra thị trường lúc lợn đạt 130 – 140kg. Như vậy, chất cấm tạo nạc xuất hiện từ khâu thương lái chứ chưa chắc từ người nuôi lợn” – ông Đoán khẳng định.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, ngay tại vùng chăn nuôi ở huyện Thống Nhất đã có nhiều trang trại chuồng lạnh, xây dựng hiện đại do các thương lái đầu tư và dùng làm nơi tập kết lợn từ các nơi về nuôi thúc tạo nạc. Theo người dân địa phương, rất khó để người lạ tiếp cận với những chuồng trại này, do các chủ buôn quản lý rất nghiêm ngặt, có “bảo vệ mặt rô tuần tra nhiều vòng ngoài, vòng trong.
“Chi phí thuốc tăng trọng cho mỗi con lợn chỉ khoảng 10.000 đồng, trong khi thương lái nuôi thúc tạo nạc trong vòng 2 - 3 tuần đã có thể có 40kg thịt, lời sơ sơ khoảng 2 triệu đồng mà không cần đầu tư lợn giống” - ông Đoán nói thêm.
Sáng 14.9, ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cũng thừa nhận với phóng viên NTNN, nguyên nhân tình trạng sử dụng chất cấm tạo nạc lợn bùng phát thời gian gần đây có thể là do thương lái. Họ thu gom lợn, sau đó không đưa đi tiêu thụ ngay mà tập kết tại một điểm nào đó, cho lợn sử dụng chất tạo nạc, đồng thời lấy hồ sơ, chứng từ từ các công ty, trang trại cung cấp lợn đi kiểm dịch lần 2 mới xuất bán.
Cũng vì nguyên nhân này, giới nuôi lợn mới nghi ngờ rằng, trường hợp thứ hai bị Thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện có chất cấm Salbutamol trong lô lợn của Công ty ANCO vào tuần trước là đã bị thương lái “biến hóa”. Bởi tên chủ trại lô lợn đó trước khi vào lò mổ tên Diễm, nhưng khi ra khỏi lò mổ bị phát hiện có chất cấm Salbutamol lại là… Trần Thị Mến.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Sẽ dùng kỹ thuật kiểm tra nhanh
Chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi phương pháp kiểm tra, lấy mẫu ngay tại các lò mổ. Theo đó, sẽ có quy định ứng dụng rộng rãi phương pháp test nhanh nước tiểu ở các trang trại, cơ sở chăn nuôi, và cả ở các lò trước khi đưa vào giết mổ để kiểm soát chặt việc sử dụng chất cấm hiện nay. Theo phương pháp này, chỉ cần 5 phút là có thể biết được các cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm hay không. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay với các cơ sở chăn nuôi cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Riêng về việc công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến cho các cơ sở, các doanh nghiệp có hành vi phi đạo đức, bất chấp sức khoẻ của cộng đồng sẽ không thể tiêu thụ được sản phẩm, từ đó họ sẽ phải điều chỉnh lại hành vi của mình.
Thanh Xuân (ghi)
|
Một số vụ buôn bán, sử dụng chất cấm bị phát hiện
Ngày 12.4.2015, Đội QLTT số 11 Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai kiểm tra điểm bán thuốc thú y Hòa Hiệp (xã Gia Tân 1) và phát hiện tại cơ sở này có 90kg chất tạo nạc cấm sử dụng trong chăn nuôi là BecomlexC-B12 và 5kg chất tạo nạc BecomlexC. Chủ cơ sở khai nhận số chất tạo nạc này được nhập về từ một công ty tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa hồi tháng 1.2012.
Ngày 22.7, Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết vừa kiểm tra một số trại chăn nuôi trên địa bàn và phát hiện 4 trại sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. Bốn hộ vi phạm gồm: Hộ ông Trịnh Hữu Nghị, hộ ông Nguyễn Thành An (cùng ngụ khu phố 4, thị trấn Vĩnh An), hộ ông Nguyễn Khoa Hồ và hộ bà Bùi Thị Sáu (cùng ngụ khu phố 6, thị trấn Vĩnh An). Tổng đàn lợn của 4 hộ trên khoảng 300 - 400 con lợn thịt.
Ngày 19.8, ngành chức năng đã bắt quả tang Công ty TNHH Sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên ( phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) đang sản xuất hàng trăm mặt hàng thuốc kháng sinh cấm sản xuất. Đặc biệt, trong đó có chất cấm họ Beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine).
Anh Thư
|