Khốn đốn vì cửa biển bị bồi lấp
10:49 - 22/09/2015
Nhiều năm qua, cửa biển Roòn thuộc huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến hàng trăm thuyền đánh cá của ngư dân gặp khó khăn trong việc ra, vào neo đậu.
Những đụn cát được kéo dài hàng chục mét do của biển bị bồi lắng

Cửa biển sông Roòn là nơi giáp ranh giữa hai thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương và thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch). Đây đều là những địa phương có truyền thống lâu đời về phát triển, đánh bắt thủy hải sản.

Theo thống kê của Trạm Kiểm soát biên phòng cửa Roòn, cửa biển này là nơi vào ra, neo đậu của gần 1.000 tàu thuyền, với hơn 3.000 ngư dân thuộc 5 xã biển huyện Quảng Trạch.

Ngoài ra, đây còn là nơi hoạt động của nhiều tàu cá các tỉnh trong khu vực. Chỉ tính riêng tại 2 xã là Cảnh Dương và Quảng Phú, gần 80% hộ dân sống dựa vào nghề đi biển với gần 300 tàu cá xa bờ vươn khơi bám biển sản xuất. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cửa biển Roòn đang bị bồi lắng, nhất là vùng giáp gianh với biển bị bồi cạn, khiến tàu thuyền của ngư dân rất khó khăn khi ra vào, nhất là các loại tàu có công suất lớn.

Trước đây, cửa lạch rộng khoảng 100m, với 4 luồng tàu vào ra, các loại tàu có công suất đến 400CV ra vào dễ dàng, không gặp khó khăn gì. Nhưng hiện nay, tại cửa biển, cát đang từng ngày bồi đắp tạo nên những đồi cát kéo dài vài chục mét khiến cửa biển ngày càng hẹp lại. Có thời điểm thủy triều xuống sâu, độ rộng của hai bên cửa biển chỉ còn 30 – 50m, độ sâu chưa tới 1m, người dân có thể lội bộ từ bên này sang bên kia.

Cửa biển bị bồi lắng nên việc tàu thuyền bị mắc cạn, gãy chân vịt, bị vỡ mạn, thậm chí là chìm tàu trong lúc ra vào xảy ra ở đây rất thường xuyên.

Theo số liệu của Trạm Kiểm soát biên phòng cửa Roòn, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 12 vụ tàu cá bị mắc cạn, gây hỏng tàu thiệt hại lớn. Đơn cử như trường hợp tàu cá công suất hơn 200 CV của anh Nguyễn Xuân Hồng, ở thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương bị mắc cạn, động cơ phát lửa, gây cháy cabin tàu, thiệt hại gần 300 triệu đồng vào cuối tháng 7/2015.

Ngư dân Nguyễn Thành Chung, xã Cảnh Dương than thở: “Do tàu tôi là tàu công suất 300CV nên mỗi lần cập cảng rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Phải canh chừng mấy ngày mới chọn được con nước lên, sau đó lặn xuống cửa sông để dò tìm các luồng sâu, rồi mới dám cho tàu cập vào bờ. Nhưng cũng có khi, không chờ được con nước lớn, đành phải neo thuyền ngoài xa, thuê các thuyền nhỏ chở hải sản vào bờ để kịp giao cho thương lái. Rồi lại thuê vận chuyển ngư cự, nhu yếu phẩm cho một chuyến ra khơi mới. Tốn kém mà lại rất vất vả”.

15-34-51_cc-tu-thuyen-khi-vo-cu-bien-deu-phi-do-luong-lch-truoc-vi-so-mc-cn
Cửa biển Roòn bị bồi lấp chỉ còn rộng gần 100m

Đặc biệt, vào mùa mưa bão, số lượng tàu thuyền đổ về tránh, trú bão nhiều, làm cho cửa biển Roòn vốn đã hẹp, càng thêm hẹp và "lộn xộn". Các tàu thuyền của ngư dân trong vùng phải “mạnh ai nấy chạy” đến các vùng khác để trú ẩn.

Không chỉ ngư dân ảnh hưởng mà các loại dịch vụ liên quan như: Sửa chữa tàu thuyền, làm đá lạnh, mua bán hải sản, xăng dầu, lương thực... tại đây cũng rơi vào tình trạng khó khăn, ế ẩm kéo dài, do tàu thuyền không vào được cửa biển. 

Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Phó chủ tịch xã Cảnh Dương thừa nhận: “Cửa biển Roòn đang bị bồi lấp ngày một cạn, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền cửa ngư dân mỗi lần ra vào. Đã nhiều lần chính quyền địa phương, ngư dân kiến nghị lên cấp trên tăng cường nạo vét luồng lạch, tạo điều kiện cho tàu thuyền ngư dân ra vào thuận lợi, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trước mắt, đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Bình cần rà soát, cắm cọc tiêu để hướng dẫn tàu thuyền chạy đúng luồn và tiến hành xác định lượng phù sa, đất cát bồi lắng để có kế hoạch nạo vét hàng năm", ông Tiến kiến nghị.

Được biết năm 2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã đầu tư 80 tỷ đồng xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Roòn, nhưng nếu cửa biển không được nạo vét, vẫn bị bồi lắng mạnh như hiện nay, thì tàu thuyền khó vào được trong mùa mưa bão này.

LÊ CƯỜNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo