Quảng Trị: Thực hiện tốt chính sách quốc phòng toàn dân
14:10 - 29/09/2015
(TNNN) - Thực hiện Nghị quyết Liên tịch được ký kết giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; thời gian qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) và Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt Nghị quyết và cụ thể hoá để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động theo sát tình hình thực tế của địa phương.
Một mô hình nuôi gà thả vườn từ nguồn vốn chính sách dành cho người nghèo

 
Ngay từ đầu năm, hai bên đã tổ chức hội nghị ký kết Chương trình phối hợp hoạt động liên ngành cấp tỉnh và triển khai cho liên ngành cấp huyện, thị xã, thành phố. Phân công lãnh đạo phụ trách chỉ đạo thực hiện các nội dung sát với nhiệm vụ của địa phương và đơn vị. Đồng thời phân công các bộ phận của hai đơn vị: Ban Dân vận thuộc Bộ CHQS tỉnh và Ban Tổ chức - Kiểm tra thuộc Hội Nông dân tỉnh là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo và chỉ huy để tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp vận động nông dân thực hiện tốt chính sách quân đội được quan tâm đặc biệt trong nội dung ký kết.


 
Để thực hiện tốt chính sách này, hai ngành đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân và cán bộ chiến sỹ về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, công tác hậu phương quân đội ngày càng thêm bền chặt, được hội viên, nông dân thực sự hiểu rõ và quan tâm đúng mức.

 
Trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân vận động con em hội viên lên đường nhập ngũ, đã có 3.710 công dân nhập ngũ vào các đơn vị, đảm bảo 100% chỉ tiêu trên giao theo đúng luật định. Tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà tạo không khí sôi nổi phấn khởi trong ngày hội giao quân. Hàng năm, đoàn liên ngành và lãnh đạo các địa phương đều tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ mới huấn luyện tại Tiểu đoàn 43- Trung đoàn 842; thăm hỏi động viên dân quân tự vê, quân dự bị động viên tham gia huấn luyện hàng năm theo kế hoạch.


 
Việc thực hiện tốt các chương trình theo chính sách 134, 135; chương trình khuyến nông, khuyến lâm, tín dụng cho người nghèo… đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất và phát triển, thu hẹp dần khoảng cách giàu- nghèo ở nông thôn, phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng- an ninh.

 
Hội Nông dân các cấp xây dựng kế hoạch B, kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ hàng năm. Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh, phối hợp Chương trình ký kết liên ngành; công tác kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quân sự địa phương ở tất cả các cấp.

 
Các cấp Hội tham gia giới thiệu việc làm và tạo điều kiện cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được tiếp cận nguồn vốn, KHKT để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Vận động hội viên, nông dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ Hội tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quân sự quốc phòng, huấn luyện quân sự hàng năm.



Công tác phối hợp vận động nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng- quân sự địa phương cũng luôn được chú trọng. Phối hợp hoạt động đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”, đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới.

 
Với phương châm “Vận động đi đôi với hỗ trợ”, các cấp Hội đã bám sát cơ sở để vừa vận động, vừa tuyên truyền và hướng dẫn hỗ trợ giúp đỡ về vốn, chuyển giao KHKT cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Phối hợp xây dựng các mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh lúa nước, trồng cao su, cà phê cho đồng bào miền núi… Đồng thời, giúp nhân dân kịp thời khắc phục những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

 
Hưởng ứng cuộc vận động "Nông dân với Trường Sa”, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền giúp cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức đầy đủ về mục đích ý nghĩa của cuộc vận động gắn với việc tuyên truyền Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Cán bộ, hội viên nông dân hướng về Trường Sa và biển đảo Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân, ủng hộ thông qua việc gửi tin nhắn, đóng góp ủng hộ bằng tiền mặt trị giá 125,896 triệu đồng.

 
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Hội Nông dân và các lực lượng như: Công An, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ hướng dẫn cho nhân dân và tham mưu cho cấp uỷ chính quyền địa phương có đường biên giới chấp hành nghiêm quy định biên giới và giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia; bảo vệ đường biên cột mốc, không xâm canh, xâm cư; giữ vững mối quan hệ đoàn kết giữa 2 nước Việt - Lào.


 
Hàng năm, hai ngành triển khai tích cực công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội. Phối hợp với các ban, ngành vận động đóng góp xóa được 47 nhà tạm với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Tỉnh Hội và các huyện, thị, thành đã tổ chức đi thăm 484 hộ nghèo, gia đình chính sách với số tiền trị giá 150 triệu đồng.

 
Nhân dịp các ngày lễ, Tết, các cấp Hội Nông dân và Lực lượng vũ trang còn tổ chức đi thăm hỏi tặng quà các bà mẹ VNAH, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tham gia đóng góp xây dựng cho quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" với tổng số tiền là 870 triệu đồng, quỹ “Vì người nghèo” với số tiền 1,2 tỷ đồng.

 
Hai cơ quan cùng phối hợp xây dựng 01 nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng. Hướng dẫn kê khai hồ sơ thực hiện chi trả chế độ theo quyết định 62/TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các hội viên; đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả cho 7.632 đối tượng với số tiền trên 31,255 tỷ đồng. Tham gia đoàn liên ngành thăm và thắp hương cho các liệt sỹ đã tìm kiếm, cất bốc liệt sỹ hy sinh trên đất bạn Lào, ủng hộ chương trình “Hoa dâng mộ liệt sỹ” do tỉnh phát động được 53,560 triệu đồng.


 
Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của liên ngành giữa hai bên trong phối hợp, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo kịp thời việc thực hiện những nội dung trong chương trình đã ký kết. Đồng thời cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quân sự với các cấp Hội Nông dân. Thường xuyên tiến hành sơ, tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra  các chương trình phối hợp hoạt động sát với tình hình thực tế của địa phương hơn nữa.
 

Tiến Thịnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo