Những ngày qua, khu vực đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to khiến nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo đó, công tác chống ngập úng cũng đang được các đơn vị liên quan tích cực triển khai.
Vận hành đồng bộ hệ thống tiêu
Tại trạm bơm Ngoại Độ II thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi (ĐTPTTL) Sông Nhuệ, hàng chục công nhân túc trực suốt những ngày qua để vận hành hệ thống bơm tiêu nước ruộng đồng. Ông Nguyễn Thế Giang – cán bộ vận hành cho biết, khoảng một tuần qua, Trạm bơm tổ chức vận hành liên tục từ 3 - 4 tổ máy bơm công suất 22.000m3/giờ/máy nhằm bơm tiêu nước ra sông Đáy, chống úng cho diện tích nông nghiệp thuộc địa bàn các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai. Do mưa kéo dài nên cán bộ công nhân viên phải túc trực liên tục 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ. Theo ông Nguyễn Quốc Hội - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐTPTTL Sông Nhuệ, cùng với trạm bơm Ngoại Độ I và II, đơn vị đã phải vận hành tổng cộng 49 trạm bơm với 218 máy phục vụ bơm tiêu nước chống úng ruộng đồng.Thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), đến trưa hôm qua (22/9), có trên 123ha đất canh tác bị ngập sâu trong nước, trong đó, Phúc Thọ 53ha, Quốc Oai 25ha và Thạch Thất 45ha. Chi cục đã chỉ đạo các DN thủy lợi vận hành tổng cộng 99 trạm bơm và 465 máy bơm chống úng, với tổng lưu lượng 1.323.250m3/giờ. Cùng với Công ty TNHH MTV ĐTPTTL Sông Nhuệ, các DN phụ trách công tác tưới tiêu thuộc các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều của mưa gây ngập úng những ngày qua cũng đang phải “căng mình” chống úng khu vực nội đồng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV ĐTPTTL Sông Đáy vận hành 20 trạm bơm với tổng số 78 máy, Công ty TNHH MTV ĐTPTTL Sông Tích chạy liên tục 11 trạm bơm với 36 máy, Công ty TNHH MTV ĐTPTTL Hà Nội vận hành 19 trạm với 133 máy bơm. Nhờ đó, đến cuối giờ chiều qua (22/9), tại các khu vực chịu ảnh hưởng ngập úng, nước đã bắt đầu rút, bà con nông dân đang tiếp tục triển khai sản xuất.
Chủ động phòng chống, giảm thiệt hại
Cùng với các DN thủy lợi, một số địa phương chịu ảnh hưởng nhiều của tình trạng ngập úng cũng đang chủ động với các biện pháp “tự cứu”. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết, huyện đang tích cực vận động người dân tổ chức khơi thông các trục tiêu ở các khu dân cư và nội đồng đảm bảo không để ngập úng. Huyện cũng chỉ đạo ngành điện cấp đủ điện năng phục vụ vận hành các trạm bơm tiêu, đồng thời hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch ngay diện tích lúa đã chín, có nguy cơ ngập úng, đặc biệt là tại 2 xã Trạch Mỹ Lộc và Tích Giang. Ngoài công tác tiêu thoát nước nội đồng được tiến hành khẩn trương, huyện cũng khuyến cáo nông dân nên thu hoạch diện tích lúa, rau màu có khả năng bị ảnh hưởng (nếu trời tiếp tục có mưa) theo đúng phương châm chỉ đạo của Sở NN&PTNT là “xanh nhà hơn già đồng”…
Trước diễn biến mưa được dự báo sẽ còn phức tạp, ông Nguyễn Vĩnh Liên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, đơn vị đã có văn bản yêu cầu các DN thủy lợi, Phòng kinh tế các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa và tình hình ngập úng để có biện pháp chống úng kịp thời. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi.