Chỉ còn hơn 1 tháng, 32.000 ha vải thiều Bắc Giang sẽ vào đợt thu hoạch chính. Từ lãnh đạo tỉnh cho tới người dân đang hết sức rốt ráo chuẩn bị “dọn đường” cho loại trái cây này.
|
Vải thiều được cho là món ăn cao cấp của nhà giàu (Ảnh: news.zing.vn) |
Những ngày này, vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) luôn đặt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt 24/7 và đang “nóng” lên từng ngày.
60 ha vải thiều được quy hoạch sản xuất vải xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP nằm trải dài dọc ba thôn Kép 1, Ngọt và Phương Sơn (xã Hồng Giang). Trong đó, 10,7 ha đã được một Cty đứng ra ký cam kết thu mua 100% sản phẩm để xuất khẩu đi châu Âu. Số còn lại, rất nhiều đơn vị đến rồi đi với một lời hứa “sẽ quay trở lại”.
Nhiều người dân tỏ ra lo lắng. Người lạc quan thì bảo: “Cứ làm tốt, xuất được hay không đến vụ sẽ rõ. Chúng tôi chỉ hy vọng chứ không kỳ vọng vào việc xuất khẩu”. Nói thì vậy, những vẫn nhấp nhổm, nghe ngóng.
Cam kết… bằng niềm tin
Theo kế hoạch ban đầu, tỉnh Bắc Giang quy hoạch và cấp 6 mã vùng để SX vải thiều xuất khẩu đi Mỹ theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sau khi cân đối, địa phương này đã cắt 1 mã SX để xuất khẩu châu Âu.
Ngày 21/4, Cty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) đã về làm việc với người dân. Đại diện Cty là ông Mai Xuân Thìn đã ký cam kết sẽ thu mua 100% vải thiều của 17 hộ dân ở hai thôn là Ngọt và Phương Sơn để xuất khẩu đi Anh.
Theo đó, Cty Rồng Đỏ sẽ thu mua cao hơn giá thị trường 10%, trừ vải xấu. Giá tối thiểu không dưới 10.000đ/kg. Ngược lại, người dân sẽ phải tuân thủ việc sản xuất đúng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc BVTV trôi nổi, bị cấm trong danh mục.
Ông Thìn cũng yêu cầu 17 hộ này ký cam kết không được “tuồn” vải ra thị trường.
Anh Đặng Văn Thắng, thôn Ngọt, cho biết, trong việc sản xuất vải xuất khẩu, người dân chỉ thắc mắc là phải mua những loại thuốc nào phun cho đúng. Rất kịp thời, UBND tỉnh Bắc Giang đã đứng ra tập huấn, cung ứng thuốc cho người dân sử dụng.
Vườn vải xuất khẩu của gia đình Anh Đặng Văn Thắng
Tỉnh cấp xuống huyện, huyện yêu cầu thôn lên nhận rồi phát lại cho các hộ. Mỗi ha, người dân nhận được lượng thuốc BVTV tính ra tiền khoảng gần 3 triệu đồng. Nỗi lo sợ của người dân tan biến.
Ông Thắng cho chúng tôi xem bản cam kết có chữ ký của 17 hộ với Cty Rồng Đỏ. Đó là bản viết tay của cả hai bên, không đóng dấu. Từ hôm cam kết, Cty này cắt cử hai cán bộ kỹ thuật ở lại cắm chốt, hướng dẫn người dân sản xuất.
“Chúng tôi được phía Cty phát dụng cụ bảo hộ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Gọi là ký cam kết nhưng không có dấu má gì, chủ yếu là tạo niềm tin thôi. Đó là nói, còn làm thế nào thì đến vụ mới biết được”.
Dù được phía Cty ký cam kết, anh Dương Văn Hòa (cùng thôn Ngọt) vẫn băn khoăn, không biết đến khi đó Cty thu mua kiểu gì? Quả vải mà chất lượng kém hơn một chút có mua không?
"Nhà tôi trồng 1 ha, trước đây toàn bán sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh lắm, nhiều chiêu trò. Nay có Cty đăng ký mua xuất khẩu đi châu Âu bà con hào hứng lắm. Nhưng lấy gì đảm bảo Cty thực hiện đúng cam kết. Tới vụ Cty không thu mua chúng tôi phải làm sao”, anh Hòa chia sẻ.
Những trái vải chín sớm
“Theo kinh nghiệm của tôi, việc không sử dụng một số loại thuốc BVTV quả vải sẽ rất sạch, chất lượng tốt. Nhưng như vậy, quả vải sẽ có mẫu mã không đẹp, xuất đi Trung Quốc cũng khó vì họ yêu cầu cao về mẫu mã. Khi đó chúng tôi chỉ còn cách sấy khô đem bán. Mà hàng sấy giá chỉ bằng 1/2 vải tươi thôi”, anh Tư băn khoăn. |
Anh Phạm Văn Tư (thôn Ngọt) thì trầm ngâm, vấn đề thuốc thang yên tâm rồi. Mỗi hộ phô tô một bản các loại thuốc cấm, mang theo khi ra cửa hàng mua. Điều anh Tư sợ nhất, nếu Cty Rồng Đỏ không thu mua, chả lẽ lại bán cho Trung Quốc.
Xuất được bao nhiêu tốt bấy nhiêu
Trở lại thôn Kép 1, ông Giáp Văn Thành, trưởng nhóm sản xuất vải thiều xuất khẩu hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm vườn. Khắp nơi là những chùm vải chúm chím, quả to chừng gần hai đầu ngón tay.
Cả thôn Kép 1 có 72 hộ tham gia nhóm, tổng diện tích khoảng gần 50ha. Ông Thành cho biết, từ ngày được chọn làm điểm sản xuất vải xuất khẩu, có hàng chục Cty đến làm việc và khảo sát. Người dân thì phấn khởi, hào hứng.
Tuy nhiên, chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào đánh tiếng sẽ thu mua vải cho người dân. Đầu ra cho quả vải xuất khẩu cũng đang khiến người dân lo lắng. Dẫu vậy, lão nông này bảo, là năm đầu tiên, cứ làm tốt, làm đẹp đi đã. Xuất được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
"Chúng tôi chỉ hy vọng chứ không hoàn toàn kỳ vọng. Chỉ cần thị trường họ chấp nhận, quan tâm thì vụ sau sẽ đi được nhiều hơn. Không đi Mỹ được ta lại xuất cho Trung Quốc, miền Nam, lo gì. Quả vải sạch như thế chẳng sợ không bán được", ông Thành tự an ủi.
“Thực ra cái quan trọng hơn việc xuất khẩu chính là niềm tin của người dân. Năm nay, yêu cầu người dân làm GlobalGAP hay gì đó, họ đã rất háo hức nhiệt tình. Nếu như không xuất khẩu được, người dân sẽ mất niềm tin. Sang năm mà có yêu cầu họ áp dụng cũng khó”, ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội nông dân xã Hồng Giang chia sẻ. |
Anh Nguyễn Văn Lưu (thôn Kép 1) cũng bảo, có hơi lo lắng về đầu ra nhưng vẫn tin một ngày quả vải Lục Ngạn sẽ có mặt trên đất Mỹ. Việc cần làm bây giờ là chăm sóc cây vải theo đúng quy trình, nghe theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Oằn mình chịu hạn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tuần qua, do mực nước ngầm tụt sâu, người dân không thể bơm nước tưới cho cây vải. Điển hình như hai thôn sản xuất vải xuất khẩu là Ngọt và Phương Sơn.
Anh Đặng Văn Thắng, thôn Ngọt, cho biết, nước trong ống chẳng còn lấy một giọt. Cố bơm đến cháy khét mù cả máy mà vẫn không thấy nước. Cả tháng nay gia đình chỉ trông chờ trời mưa. Những cơn mưa vàng mưa bạc.
Nếu như trước đây, nước mưa sẽ được giữ trong lớp mùn, lá cây rụng, phải đến chục ngày sau cây vải mới cần tưới. Nay theo quy trình mới, lá cây phải được dọn sạch, nhẵn như nền nhà khiến cây vải trơ gốc.
Nhiều vùng vải đang chịu cái hạn chưa từng có
Mưa hôm trước đến hôm sau thì đất lại trơ sỏi đá. Vợ anh Thắng dẫn chúng tôi kiểm tra đường ống dẫn nước. Chốc chốc lại thấy những chiếc vòi nhựa khô khốc, chẳng một giọt nước, bạc phếch vì nắng gió.
Hộ anh Tư bên cạnh, mực nước ngầm còn tụt sâu hơn. Nước ăn còn phải tiết kiệm từng giọt chứ đừng nói gì đến nước tưới cho vải. “May mà vải nó là loại cây chịu hạn tốt, nó mà như cam hay quýt thì với thời tiết này chắc trơ gốc. Mà khéo gốc cũng chẳng còn ấy chứ”.
Trao đổi với PV, ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội nông dân xã Hồng Giang cho biết, 50 ha vải thuộc 5 mã sản xuất của người dân vẫn đang chờ phía doanh nghiệp đến đặt hàng. Các doanh nghiệp sau khi khảo sát đánh giá rất cao chất lượng của sản phẩm và hứa sẽ quay trở lại.
“Địa phương chúng tôi có truyền thống sản xuất vải từ rất lâu rồi. Năm ngoái chúng tôi đã xuất được 10 tấn vải đi Nhật Bản. Năm nay hy vọng sẽ có chuyến hàng đi Mỹ đầu tiên.
Người dân hy vọng, vụ này, những trái vải GlobalGAP sẽ được xuất sang Mỹ
Xuất khẩu đi Mỹ hay Nhật Bản, châu Âu là một hướng đi mới, nhưng trọng tâm vẫn xác định là thị trường truyền thống. Với một thị trường mới, tôi nghĩ năm nay chỉ là một bước thử nghiệm”, ông Huy phân tích. (Còn nữa)