Tăng cường giải pháp để thông quan cho nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh
21:33 - 12/05/2015
Gần 2 tuần qua, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lại xảy ra tình trạng ùn tắc các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hàng nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh: M.P)

Xung quanh vấn đề này ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có thông tin trao đổi với báo chí.

Ông Thái cho biết, cứ đến tháng 3, tháng 4; dịp tết Thanh minh hàng năm, nhu cầu tiêu thụ hoa quả tươi phía Trung Quốc lại tăng lên và dịp này cũng là dịp thu hoạch nhiều loại nông sản trong nước. Năm nay, lượng dưa hấu và thanh long tăng 10% - 15% so với cùng kỳ năm 2014 nên lượng xe hàng hoá rất nhiều. Trung bình mỗi ngày có 800 xe đổ về cửa khẩu nhưng hải quan chỉ thông quan được 300-350 xe nên hầu như ngày nào cũng tồn đọng trên dưới 400 xe.

Ông Thái cũng đưa ra một số lý do của sự ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. Thứ nhất, hàng thanh long, dưa hấu xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh là hàng tiểu ngạch không có hợp đồng giữa người mua và người bán, nên không có sự ràng buộc về yếu tố giá cả theo quy định thương mại quốc tế, dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá, tồn đọng. Rủi ro đều thuộc về doanh nghiệp, tư thương và đặc biệt là người nông dân.

Thứ 2, về phía Trung Quốc, xe sau khi qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ đến chợ, ở đó sẽ lau chùi, đóng thùng dưa hấu, mỗi thùng từ 4-6 quả. Chính vì vậy thời gian xử lý 1 xe sẽ chiếm từ 2 - 3 giờ, cho nên năng lực xử lý của phía Trung Quốc mỗi ngày chỉ được từ 200-300 xe.

Thứ 3, Trung Quốc chỉ nhập dưa hấu ở phía chợ Pò Chài (Bằng Tường, Quảng Tây) nên lượng xe buộc phải đổ về cửa khẩu Tân Thanh là rất lớn.

Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn trên Hải quan và các đơn vị chức năng tại cửa khẩu cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã linh hoạt bố trí thời gian làm việc từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng đã dự báo được hiện tượng ùn tắc vào thời gian này nên từ ngày 12/2/2015 đã thành lập Tổ công tác liên ngành gồm các sở, ban, ngành: Công Thương; Giao thông vận tải; Y tế; Công an tỉnh; Cục Hải quan tỉnh; Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ban quản lý Khu kinh tế Đồng Đăng (Lạng Sơn)… để để quản lý điều phối hoạt động xuất khẩu này. Đồng thời đưa ra các giải pháp chống ùn tắc phương tiện chở hàng, phân luồng phương tiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn tài sản phương tiện hàng hóa của doanh nghiệp..

Ông Thái khẳng định, dù còn tồn đọng hàng hóa nông sản nhưng vẫn đảm bảo an ninh an toàn cho người và phương tiện.

Tuy nhiên, ông Thái cũng kiến nghị, trên đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài các bộ, ngành liên quan cần có quy hoạch các vùng trồng rau quả cho hợp lý hơn. Cần có sự điều phối theo nhu cầu nhập khẩu của thị trường. Đặc biệt, cần phải đầu tư phát triển công nghiệp chế biến hoa quả; phát triển hạ tầng cửa khẩu rộng hơn, thậm chí còn có thể tính đến có kho bảo quản cho nông sản tại khu vực cửa khẩu…/.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo