Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao
11:00 - 24/02/2017
(TNNN)- "Nông nghiệp thông minh" hay còn gọi là "Nông nghiệp công nghệ cao" là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản... để làm ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao.
Trồng rau công nghệ cao (Ảnh minh họa).


Dân số tăng, nhu cầu về nông sản thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Dân số nước ta hiện nay trên 90 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ vào khoảng 100 triệu người. Do dân số tăng nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nước ta sẽ tăng lên ít nhất 11% - 12% so với hiện nay nên đòi hỏi nông nghiệp không chỉ tăng về số lượng mà cả là chất lượng. Nhu cầu thực phẩm sạch cũng "nóng" lên hàng ngày. Hàng nông sản làm sao phải ngon, bổ, rẻ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
 
Tuy nhiên, diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu, sức cạnh tranh chất lượng hàng nông-thủy sản ngày càng quyết liệt, là những thách thức, sức ép rất lớn với nông nghiệp Việt Nam. Nếu cứ sản xuất manh mún, không đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi... và không phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì nông nghiệp nước ta không tăng trưởng mà còn thụt lùi xa hơn nữa với khu vực và thế giới. Vì thế đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... là lời giải đúng nhất của nông nghiệp nước nhà.
 
 
Vài năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của cả Chính phủ và doanh nghiệp, nên đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn tăng đáng kể: từ 2.397 doanh nghiệp năm vào 2007 lên 3.640 doanh nghiệp vào năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 là 4.080 doanh nghiệp.
 
 
Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn rất nhỏ, chỉ chiếm 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ. Số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng còn rất ít.
 
 
Hiện, cả nước có hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Hậu Giang và Phú Yên; ba địa phương là: Thái Nguyên, Thanh Hóa và Lâm Đồng thuộc quy hoạch tổng thể đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao; 25 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, nhà nông trong cả nước.
 
 
Lâm Đồng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, Lâm Đồng có hơn 49 nghìn ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, hơn 21 nghìn ha rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng tưới phun tự động; 50 ha hoa, dâu tây áp dụng công nghệ cảm biến, tự động đồng bộ; 6,5 ha rau thủy canh và 41 ha canh tác trên giá thể; hơn 2.200 ha chè ứng dụng hệ thống đồng bộ hệ thống tưới, bón phân tự động; 18.781 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao được chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest…
 
 
Theo đánh giá mới đây của địa phương, năng suất bình quân nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng đến 50% so với sản xuất thông thường, đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 11 nghìn ha đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm; trong đó, 700 ha đạt từ một đến ba tỷ đồng và 10 ha cho doanh thu hơn ba tỷ đồng trên một ha mỗi năm.
 
 
Hiện, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Lâm Đồng. Nông nghiệp công nghệ cao đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng, tỷ trọng xuất khẩu chiếm tỷ lệ 80%. Lâm Đồng có 8 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 30% trên cả nước. Nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Lâm Đồng.
 
 
Các bài học kinh nghiệm của Israel cho thấy khi áp dụng công nghệ cao thì mỗi ha trồng cà chua cho ra 250 – 300 tấn/ năm , trong khi với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20 – 30 tấn/ha/năm. Cũng như vậy, một ha trồng hoa hồng ở nước ta chỉ cho khoảng 1 triệu cành với doanh thu từ 50 – 70 triệu đồng/ha/năm thì ở Israel con số tương ứng là 15 triệu cành chất lượng đồng đều và hiển nhiên doanh thu cũng cao hơn. Không những vậy việc ứng dụng khoa học công nghệ cao còn giúp nhà sản xuất tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và do đó góp phần bảo vệ môi trường. Chính những lợi ích như vậy mà sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành mẫu hình cho nền nông nghiệp thế kỷ XXI.
 
 
Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất. Với  việc tiết kiệm chi phí và tăng năng xuất cây trồng vật nuôi, quá trình sản xuất dễ dàng đạt được hiệu quả theo quy mô và do đó tạo ra nền sản xuất lớn với lượng sản phẩm đủ để cung cấp cho quá trình chế biến công nghiệp. Cũng nhờ thương mại hóa được sản phẩm mà các thương hiệu sản phẩm được tạo ra và cạnh tranh trên thị trường.
 
 
Trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới ở TP. HCM đã cho doanh thu đạt 120 – 150 triệu đồng/ha, gấp 2 – 3 lần canh tác theo lối truyền thống. Các mô hình trồng hoa - cây cảnh ở Đà Lạt và chè ô long ở Lâm Đồng cũng cho thấy dây truyền sản xuất khép kín cây giống, ươm, chăm sóc, thu hoạch trong nhà lưới với hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn Israel đã cho năng xuất và chất lượng sản phẩm hơn hẳn cách sản xuất truyền thống, sử dụng màng phủ. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất giống cây, chăn nuôi lợn, gà quy mô công nghiệp theo công nghệ Nhật Bản đã và đang mang lại những hiệu quả to lớn, giúp người sản xuất có thu nhập gấp 2 thậm chí là gấp nhiều lần so với sản xuất quảng canh hộ gia đình truyền thống.
 
 
Đến nay đã khẳng định được ưu thế của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả về khía cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và xã hội hóa sâu rộng.
 
 
Theo mục tiêu quốc gia, trước năm 2020, Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 200 doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp loại này đang là mục tiêu của nhiều tỉnh, thành. So sánh về điều kiện tự nhiên để làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta hơn hẳn Israel, Nhật Bản... Nhưng thực tiễn cho thấy, thành công của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dựa vào vốn, đất, cơ chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực. Và đây được coi là hạn chế lớn nhất khiến các nhà đầu tư phải phân vân khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh, thành.
 
 
Nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực này phải được vận hành bởi "nông dân trí thức", nhưng trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo nghề cho người dân là việc cấp thiết, vì người nông dân vừa là người lao động nhưng cũng là những chuyên gia trên đồng ruộng.
 

Trần Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo