|
Chăn nuôi gà hiện đang phát triển nhanh và giữ vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi (Ảnh minh họa). |
Tháng 4/2016, Trạm Khuyến nông huyện Tương Dương (Nghệ An) đã triển khai mô hình “Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học” tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương với quy mô 1.000 con. Tham gia mô hình gồm 06 hộ, mỗi hộ nhận nuôi từ 150 - 200 con gà lông màu (giống Ri lai) 20 ngày tuổi. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ giống gà Ri lai, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất sát trùng, vắc-xin phòng bệnh theo quy trình và được hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.
Tham gia mô hình, các hộ áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi gà, đảm bảo phòng bệnh bằng vắc-xin đúng quy trình kỹ thuật, làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất sát trùng định kỳ, thức ăn đảm bảo số lượng, chất lượng, giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển khá tốt. Kết quả cho thấy, thời gian nuôi 14 tuần tuổi, gà khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ sống khi xuất chuồng đạt 95%, trọng lượng bình quân đạt 2,0 kg/con/14 tuần tuổi, sản lượng thu được 1.900 kg. Với quy mô 1.000 con gà giống, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin, hóa chất sát trùng, công lao động... mô hình đạt lãi thuần 76 triệu đồng.
Mô hình “Nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học” cũng được triển khai tại tỉnh Trà Vinh. Tại đây, mô hình vừa tạo ra sản phẩm sạch, giảm thiểu dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Trà Vinh và Dự án giảm nghèo bền vững (AMD) triển khai cho 20 hộ dân ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, mỗi hộ tham gia mô hình trình diễn chăn nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học với qui mô mỗi hộ nuôi 500 con. Các hộ tham gia mô hình trình diễn được hỗ trợ 100% chi phí con giống, 30% chi phí thức ăn. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trực tiếp tham gia làm đệm lót, thường xuyên tham gia kiểm tra giám sát hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo dưỡng đệm lót theo đúng quy định.
Đệm lót sử dụng các nguyên liệu như: Trấu, mùn cưa…độ dày của đệm lót từ 20 đến 30cm và thực hiện phối trộn theo tỉ lệ 6X4 phun xịt men vi sinh. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình chăn nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học đã mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực như không mùi hôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh có hại, phân giải được một phần chất độn chuồng, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi và đàn gà ít bị dịch bệnh.
Đàn gà tăng trọng nhanh, trung bình từ 1,2 đến 1,4 kg/ con, sau hơn 80 ngày thả nuôi, khả năng tiêu tốn thức ăn bình quân 2,11kg thức ăn/kg tăng trọng, trong khi nuôi theo phương pháp truyền thống phải tiêu tốn thức ăn bình quân là 2,8 kg thức ăn/kg tăng trọng và đối với đệm lót nếu bảo dưỡng tốt có thể sử dụng trong vài vụ nuôi tiếp, các chất đệm lót được đưa ra và sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi.
Tại huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) mô hình nuôi giun quế để chăn nuôi gà được thực hiện từ đầu năm 2014, đến nay đã có trên 300 hộ nông dân tham gia dự án. Các hộ dân thực hiện mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi gia cầm. Gà chăn nuôi bằng giun quế lớn nhanh, thịt thơm, ngon. Gà ta chăn nuôi bằng giun quế là sản phẩm an toàn nên giá cả cao hơn giá gà ở các địa phương khác từ 30-40%, được Công ty Cổ phần Đầu tư Tâm Đạt (Hà Nội) bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đây là mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở một số xã trên địa bàn huyện Phú Lương.
Nhận thấy địa hình đồi núi Yên Thế phù hợp với mô hình chăn nuôi gà đồi, đồng thời, để phát triển loại gia cầm chủ lực của địa phương, tỉnh Bắc Giang đã triển khai đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế giai đoạn 2013-2015 theo hướng VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt) cho hơn 80 hộ dân tại 3 xã Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng của huyện Yên Thế. Các hộ được tập huấn các kiến thức cơ bản về chăn nuôi gà sạch, vệ sinh môi trường chăn nuôi, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về dinh dưỡng, vệ sinh, phòng dịch..., gà thương phẩm chăn nuôi an toàn sinh học cho sản lượng tăng, chất lượng thịt tốt, giá bán cũng cao hơn so với gà nuôi thông thường tới 7.000 đồng/kg.
Sau gần 3 năm được triển khai đề án, từ hình thức nhỏ lẻ, tự phát, người dân Yên Thế từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, tạo ra thương hiệu gà đồi Yên Thế được chứng nhận sở hữu tập thể, tạo đà phát triển gà đồi chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Bà Cao Thị Ten (ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) là người tiên phong trong việc nuôi gà thảo mộc ở tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 đến nay. Nuôi gà thảo mộc, hay còn gọi là thảo dược là mô hình chăn nuôi kiểu mới không sử dụng kháng sinh. Người nuôi bổ sung vào khẩu phần thức ăn nhiều loại thảo dược tốt có lợi cho sức khỏe của gà, góp phần thay thế hoàn toàn các loại kháng sinh và chất kích thích tố tăng trọng thường sử dụng trong quy trình nuôi gà bình thường giúp cho thịt gà có hương vị thơm ngon, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Theo bà Ten, gà giống ban đầu để nuôi thảo mộc là loại gà ta được chăm sóc và tiêm chủng theo quy định nghiêm ngặt. Từ tháng thứ hai, gà mới được cho ăn thức ăn trộn thảo mộc và giảm thức ăn sao cho gà đạt trọng lượng trung bình từ 1,3-1,8kg chứ không được lớn hơn. Điều quan trọng là nguồn thức ăn phải đảm bảo đúng tỉ lệ theo công thức: Thảo mộc (dạng bột) được trộn đều với cám theo tỉ lệ 5/1.000, nghĩa là 5kg thảo mộc trộn với 1.000kg thức ăn.
Có thời điểm, trang trại nuôi gà thảo mộc của bà Ten đạt số lượng đàn gà lên đến 50.000 con, cung cấp cho thị trường 250-350 con gà/ngày. Giá gà thảo mộc luôn ổn định ở mức 68.000VND/kg. Bà Ten cho biết, ngoài việc chăm lo cho đàn gà, bà còn phải tính toán hợp lý việc nhập thêm các đợt giống mới, thường thì 20 ngày bà cho nhập một lần để số lượng sản phẩm gà thảo mộc xuất ra luôn đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường.
Sau gần 5 năm nuôi gà thảo mộc, năm 2015, trang trại nuôi gà thảo mộc của bà Cao Thị Ten đã đạt chứng nhận VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) và được cấp giấy chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm. Đến nay, dù đầu ra đã ổn định nhưng bà Ten vẫn luôn có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn sản phẩm đầu ra, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tiêu thụ.
Chăn nuôi gà là nghề truyền thống gắn bó với người dân Việt Nam suốt từ Bắc tới Nam, hiện đang phát triển nhanh và giữ vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi.