(TNNN) - Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã có nhiều giải pháp về xử lý chất thải trong chăn nuôi, chủ yếu là ủ phân hữu cơ, sử dụng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt vi sinh vật gây hại và đang đẩy mạnh áp dụng đệm lót sinh học.
|
Mô hình nuôi bò an toàn sinh học không chỉ giúp tăng thu nhập cho hộ nuôi mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường |
Đệm lót sinh học có thể sử dụng trong chăn nuôi hầu hết các loại gia súc gia cầm, như: Trâu, bò, heo, gà… Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với việc sử dụng cho các loại cây trồng cho sản phẩm sạch.
Năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò, heo và gà thịt an toàn sinh học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” về Bình Thuận. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận và Hội Nông dân tỉnh là hai đơn vị thực hiện dự án. Trung tâm đã xây dựng 5 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học gồm: Mô hình chăn nuôi bò thịt; mô hình trồng cỏ VA – 06 phục vụ chăn nuôi bò; mô hình chăn nuôi heo thịt; mô hình Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi heo; Mô hình chăn nuôi gà thịt.
Dựa trên những đặc điểm thời tiết khí hậu ở Bình Thuận, trung tâm đã chọn 20 con bò lai Sind từ 12 – 16 tháng tuổi để thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng an toàn sinh học. Với phương pháp nuôi nhốt kết hợp bán chăn thả cho bò vận động, thời gian vận động từ 2 – 4 giờ/ ngày. Bò được thả trên đồng vào buổi sáng, buổi chiều ăn cỏ cắt và thức ăn cám hỗn hợp tại chuồng. Ngoài ra còn được bổ sung các thức ăn khác như ngọn mía, dây khoai, rơm rạ, cỏ khổ, cỏ ủ chua và củ quả thay thế.
Việc xây dựng chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc và điều trị bệnh thú y theo đúng quy trình của đơn vị chuyển giao. Sau 3 năm trọng lượng bò đạt từ 320 – 350kg/con. Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho bò, Trung tâm đã triển khai mô hình trồng giống cỏ VA – 06 với quy mô 1ha. Loại cỏ này có tốc độ sinh trưởng nhanh và nhiều chất dinh dưỡng hiện đang phát triển tốt, năng suất thu hoạch đạt cao nhất là 75 tấn/ha/lần thu hoạch. Vì vậy có thể đảm bảo được nguồn thức ăn sạch cho bò.
Trang trại bò giống của ông Nguyễn Lợi Đức tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) quy mô trên 70 héc-ta và đang tiếp tục được mở rộng. Để đầu tư xây dựng mô hình trang trại nuôi bò thịt và bò sinh sản, ngoài việc lựa chọn những con bò lai Sind khỏe mạnh tại địa phương, ông Đức còn tìm đến các trung tâm nghiên cứu, chăn nuôi gia súc lớn tại Bình Dương để mua một số giống bò ngoại to con, như: Drought Master, Brahman, Red Angus… mang về lai tạo cùng giống bò địa phương đã được tuyển lựa kỹ để nhân giống tạo đàn bò thịt chất lượng cao.
Để nuôi bò đạt hiệu quả cao, ông Đức còn áp dụng quy trình đệm lót sinh học cho bò sinh sản. Phương pháp này vừa tiết kiệm được chi phí, vừa có thể tận dụng phân chuồng làm phân bón cho cây. Điều quan trọng là nuôi bò trên đệm lót sinh học bò tăng trưởng nhanh và đạt hiệu quả cao. Ông Đức cho biết: “Đến nay, đã hơn 7 tháng ứng dụng đệm lót sinh học, so với nuôi bò bằng chuồng trại láng bê tông thì chuồng có đệm lót sinh học tiết kiệm được nhiều sức lao động, ít công chăm sóc, con bò nuôi trên đệm lót sinh học cũng sạch sẽ hơn bò nuôi thông thường”.
Có thể nói, mô hình chăn nuôi bò an toàn sinh học đã thể hiện được nhiều ưu điểm so với cách nuôi thông thường như: Giúp cho người chăn nuôi nắm được cách kiểm soát đàn gia súc, gia cầm một cách an toàn, thường xuyên, từ đó chủ động trong công tác phòng chống bệnh tật cũng như xử lý tốt những sự cố xảy ra. Người nuôi cũng kiểm soát được đầu vào và đầu ra của con giống, thức ăn khoa học, hợp lý. Trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất nên đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần ổn định thu nhập cho người nông dân và phát triển kinh tế địa phương.