(TNNN) - Hiện nay, mô hình trồng dưa chất lượng cao như dưa lưới khá phổ biến ở nhiều địa phương. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch bệnh và an toàn thực phẩm đang là hướng phát triển mới, bền vững. Mô hình này giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
|
Nhờ hiệu quả từ mô hình mang lại, hiện nhiều địa phương đang triển khai trồng dưa lưới |
Dưa lưới thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae) là rau ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao; có nguồn gốc từ Ấn Độ và châu Phi; Ai Cập là nơi trồng đầu tiên, sau đó là Hy Lạp, La Mã. Hiện nay dưa lưới được trồng khắp nơi trên thế giới, chủ yếu bán tươi và được xem là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Không những thế, thành phần của dưa lưới có chứa chất chống oxy hóa dạng polyphenol, có khả năng phòng chống ung thư và tăng cường hệ miễn dịch, nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận trường, chống táo bón và là nguồn phong phú beta-carotene, acid folic, kali và vitamin C, A giúp điều hòa huyết áp, ngừa sỏi thận, lão hóa xương...
Ở nước ta, hiện có nhiều loại dưa lưới. Ngoài các giống dưa lưới truyền thống được trồng từ lâu như dưa trắng Hà Nội, dưa mật Bắc Ninh, dưa vàng Hải Dương trái nhỏ, thơm, ngọt, thì những năm gần đây, Công ty Giống cây trồng Nông Hữu đã đưa vào sản xuất một số giống lai F1 nhập nội cho năng suất cao (35 tấn/ha), thơm ngon, độ đường (Brix) cao từ 15-18 độ, quả to, màu sắc phong phú, chống chịu một số bệnh nứt dây và thối vi khuẩn. Chu Phấn và Taki là hai giống đã được khảo nghiệm và đánh giá phù hợp với điều kiện nhà màng. Taki có độ Brix cao, có khả năng kháng bệnh tốt hơn nên được khuyến khích trồng nhiều hơn. Một số giống dưa lưới được lai tạo phổ biến như Dưa Vân là dưa ưu thế lai F1 do Công ty Vimorint Cộng hòa Pháp lai tạo và sản xuất; dưa lưới Hami (Cucumis melo var. saccharinus) có nguồn gốc từ Tân Cương, Trung Quốc…
Mô hình trồng dưa lưới giống Taki và Tazoti của Nhật bản do Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố HCM chuyển giao công nghệ. Mô hình thực hiện trên diện tích nhà màng 700m2, năng suất đạt từ 2 – 2,5 tấn/1000m2, độ Brix từ 10 – 12%, dưa lên lưới đều, đẹp, trọng lượng trái từ 1,2 – 1,6 kg. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2015 -01/2016. Đây là các giống dưa chất lượng cao, có giá tiêu thụ tốt và thị trường ổn định.
Sau gần 2 tháng trồng, các giống dưa phát triển tốt, lên lưới đẹp, trọng lượng trái trung bình đạt 1,5kg. Tỷ lệ trái đạt yêu cầu trên 90%. Ngoài ra, Trung tâm đã tiếp nhận quy trình trồng từ khâu lắp đặt hệ thống tưới, bón phân bằng phương pháp tưới nhỏ giọt; chọn hạt giống trồng; xử lý, phối trộn giá thể; gieo hạt; trồng cây con vào túi giá thể; pha dung dịch dinh dưỡng, công thức pha chế theo từng giai đoạn; thả ong, thụ phấn nhân tạo; tỉa trái; bấm ngọn; chọn trái, xác định thời điểm thu hoạch. Đồng thời đào tạo 5 cán bộ kỹ thuật nắm vững và làm chủ quy trình kỹ thuật trồng.
Theo tính toán của Ban chủ nhiệm dự án, tổng chi phí trồng dưa lưới trong nhà màng cho 1.000m2 là 55.750.000 đồng, bao gồm tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, khấu hao tài sản, vật tư khác… Với năng suất đạt 3 tấn/1000m2, giá bán 25 ngàn đồng/kg, nông dân thu về 75 triệu đồng, lợi nhuận đạt 19 triệu 250 ngàn đồng.
Nhìn những hàng dưa xanh mướt, trĩu quả đang đến độ thu hoạch, mới thấy hết niềm say mê của anh Lê Anh Đức (34 tuổi) ở nông trường Xa Trạch, Công ty cao su Bình Long, tỉnh Bình Phước. Tốt nghiệp ngành sinh lý thực vật và cây cảnh Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, anh Đức vào làm việc ở nông trường Xa Trạch.
Khởi đầu, anh trồng 100 cây thử nghiệm và khi thành công anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên 600 m², trồng 1.500 cây. Với diện tích này, tổng chi phí đầu tư hết 110 triệu đồng, trong đó riêng chi phí làm nhà kính chiếm hơn phân nửa.
Nhờ năng động, chịu khó tìm hiểu và vận dụng một cách linh hoạt ưu điểm của các mô hình khác nhau nên anh Đức giảm được chi phí đầu tư khá nhiều. Với nhà kính, thay vì đi thuê, anh bỏ thời gian mua nguyên vật liệu về tự làm. Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, anh học theo phương pháp của Israel và tự chế hệ thống tưới nước thông minh cho vườn dưa. Anh cũng tự nghiên cứu công thức bón phân và tận dụng vỏ cây cao su làm phân hữu cơ bón cho vườn dưa, vừa tạo độ ẩm vừa đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Riêng về giống, anh chọn giống của Malaysia sinh trưởng khỏe, cho quả to, độ ngọt đạt tiêu chuẩn.
Với 1.500 gốc dưa, anh Đức vừa thu hoạch vụ đầu tiên, sản lượng trên 2 tấn. Doanh thu bán dưa được 65 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Tính ra tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt trên 60%. Dưa thu hoạch được các siêu thị tiêu thụ hết.
Có đầu ra ổn định, lợi nhuận khá cao, anh Đức đang mở rộng thêm 3.000 m² để trồng dưa lưới cho vụ tiếp theo.Mô hình trồng dưa lưới của anh Đức đang được nhiều bạn trẻ, cũng như người dân ở tỉnh Bình Phước quan tâm và học tập.
Có thể nói, đây là mô hình sản xuất mới, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất. Vì thế, công tác nhân rộng sẽ gặp khó khăn.