Ninh Bình: Nhờ có Hội, nông dân vùng có đạo “ưa” đẻ ít
15:55 - 25/02/2016
(TNNN) - Là một tỉnh nằm ở cực Nam của đồng bằng Bắc bộ có dân số gần một triệu người, trong đó đồng bào công giáo chiếm 23,33% dân số trong toàn tỉnh. Hiện nay, các cấp Hội trong tỉnh có 69% là người có đạo ở địa phương đang tham gia sinh hoạt tại 88 cơ sở Hội. Một đặc trưng cơ bản của hội viên, nông dân tại một số vùng giáo là thường sinh nhiều con, vì thế đời sống đang còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đẻ ít con để đời sống thêm ấm no, nông thôn ngày càng đổi mới

 
Bằng nhiều hình thức và biện pháp linh hoạt, các cấp Hội đã tạo điều kiện cho hội viên vùng giáo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hàng năm, Hội Nông dân các cơ sở vùng giáo đã mở hàng trăm lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên công giáo với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực như: Kỹ thuật gieo cấy lúa chất lượng cao, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm…


 
Hội còn chủ động tổ chức ký kết các chương trình phối hợp với một số công ty sản xuất và cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn như: Công ty phân lân Ninh Bình, doanh nghiệp phân bón Đức Trọng, công ty phân bón Sông Gianh, công ty TNHH VIC Con heo Vàng... để cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm, tạo điều kiện cho những nông dân vùng giáo gặp khó khăn về vốn. Kết quả, trong 4 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tín chấp cung ứng được 23.142 tấn phân bón chậm trả cho nông dân.

 
Căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của hội viên và điều kiện cụ thể tại các chi Hội vùng giáo, các cấp Hội đã ưu tiên mở hàng trăm lớp dạy nghề cho nông dân vùng giáo. Điển hình như các lớp: Nuôi gà thả vườn tại xã Thạch Bình, xã Văn Phú (huyện Nho Quan); trồng rau an toàn, thanh long ruột đỏ tại xã Yên Lộc (huyện Kim Sơn); dạy nghề mỹ ký tại xã Yên Thắng, trồng nấm tại xã Yên Lâm (huyện Yên Mô); dạy nghề đan bèo bồng tại xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh); thêu ren tại xã Gia Xuân (huyện Gia Viễn)...
 


Đây đều là những địa phương có đông đồng bào công giáo sống tập trung. Qua đó đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho các hộ nông dân. Đáng mừng hơn, sau khi học nghề, có trên 80% lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều nghề đến nay vẫn đang được duy trì và phát triển tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho người nông dân.

 
Nhằm hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân vùng giáo phát triển kinh tế, các cấp Hội cũng đã chú trọng việc cho hàng trăm hộ hội viên công giáo vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc triển khai thực hiện tốt chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay, Hội Nông dân đang quản lý 812 tổ TK & VV cho 22.605 hộ nông dân vay với tổng số tiền 507.159 triệu đồng.


 
Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho 1.587 hộ vay với số dư nợ 61.820 triệu đồng. Hội viên, nông dân trong tỉnh đã tương trợ giúp đỡ được hàng trăm hộ nông dân nghèo với số tiền hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động và các loại vật tư nông nghiệp khác... với trị giá hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ sự giúp đỡ thiết thực của các cấp Hội, đã có hàng trăm hộ nông dân công giáo tăng thêm thu nhập. Nhiều hộ nông dân từ hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ.

 
Song song với việc ưu tiên lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các chi Hội vùng đồng bào công giáo, các cấp Hội còn tích cực vận động hội viên công giáo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình văn hóa.
 

Tại các chi Hội Nông dân ở vùng đồng bào công giáo, hội viên, nông dân tự giác thực hiện tốt hương ước, quy ước của địa phương, sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng xóm làng bình yên, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, cam kết không sinh con thứ 3. Hàng năm, đều có trên 90% gia đình hội viên công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với chi cục Dân số- KHHGĐ các cấp tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, phát thuốc tránh thai, bao cao su, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đầy đủ kịp thời, an toàn; đáp ứng nhu cầu của hội viên, phòng chống nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và KHHGĐ. 

 
Những hoạt động cụ thể nêu trên đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất tinh thần của hội viên, nông dân tại các chi Hội vùng giáo trong tỉnh; hội viên cũng có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt công tác DS- KHHGD.
 


Đã có hàng nghìn chị em hội viên công giáo trong độ tuổi sinh đẻ hoặc sinh con một bề đăng ký cam kết thực hiện KHHGĐ và cam kết không sinh thêm con. Tỷ lệ các cặp vợ chồng công giáo trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Được Hội tiếp sức, đã có không ít những hộ gia đình công giáo trở thành các điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu, giúp nhau thoát nghèo.

 
Một số điển hình đi đầu trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn được tuyên dương khen thưởng như: Hộ ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm Đông Cường xã Văn Hải (huyện Kim Sơn); ông Đinh Văn Công thôn Đầm Bòng, xã Thạch Bình (huyện Nho Quan); ông Tống Viết Lư, xã Mai Sơn (huyện Yên Mô); ông Nguyễn Văn Biên xóm 9, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh); ông Vũ Văn Bình, xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình)...

 
Nhiều chi Hội qua nhiều năm liền đều đạt chi Hội vững mạnh không có người sinh con thứ 3 như: Chi Hội 1 thôn Đồng Chưa, chi Hội 2 thôn Kênh Gà (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn); chi Hội thôn Đầm Bồng, thôn Lạc Bình 2 (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan)...


 
Có được những kết quả nêu trên là nhờ Hội Nông dân tỉnh đã thường xuyên chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của nông dân vùng có đạo; đồng thời căn cứ vào đặc điểm cụ thể tại mỗi địa phương để triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên. Từ đó, vai trò và vị thế của Hội ngày một nâng cao, hội viên nông dân thêm tin yêu vào tổ chức của mình.


 

Ngọc Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo