Những năm gần đây, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân tỉnh Sơn La đã thu được những kết quả to lớn.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình nông dân làm giàu nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất đã không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đang tạo nên những bước phát triển mới trên quê hương Sơn La giàu truyền thống cách mạng.
Những nông dân vượt khó làm giàu
Một ngày đầu xuân, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về hiệu quả kinh tế từ các mô hình sản xuất của những người nông dân dám nghĩ dám làm. Cách đây chưa lâu, gia đình bà Trần Thị Thủy vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của Tiểu khu Sao Đỏ II, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La). Sau khi được tham gia lớp học kỹ thuật chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, bà Thủy đã tự mày mò tìm hiểu và quyết định đầu tư chăn nuôi bò sữa. Khởi nghiệp từ hơn 30 triệu được vay từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chủ động liên hệ tốt đầu ra cho sản phẩm nên đến nay, gia đình bà Trần Thị Thủy đã vươn lên trở thành một trong số những hộ có thu nhập cao ở địa phương. Với việc thường xuyên duy trì đàn bò sữa từ 32 - 35 con, trong đó có 15 con đang kỳ vắt sữa, năm 2015, gia đình bà Thủy có thu nhập lên tới trên 800 triệu đồng từ tiền bán sữa và bò giống.
Cũng đi lên từ hoạt động chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Minh Thúy ở Tiểu khu 19 - 5, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã vừa làm giàu cho gia đình vừa tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động trên địa bàn. Trên bước đường trở thành một "đại gia chăn nuôi", ông Minh đã đầu tư rất nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ cách làm sáng tạo, nên ông Minh đã thành công trong việc lai tạo, xây dựng thương hiệu lợn giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với đó, ông còn tự nghiên cứu thử nghiệm và sáng tạo ra công thức pha trộn thức ăn cho đàn lợn của gia đình để vừa bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi vừa giảm chi phí đầu tư. Hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân Minh Thúy của gia đình ông Nguyễn Văn Minh đang có tới 700 con lợn mẹ; 4.000 lợn thịt và hơn 3.500 con lợn giống. Doanh thu năm 2015 đạt khoảng 40 tỷ đồng, lợi nhuận trên 6 tỷ đồng; tạo việc làm cho 55 - 60 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Lan tỏa những "Triệu phú nông dân".
Tìm hiểu được biết, bà Trần Thị Thủy và ông Nguyễn Văn Minh chỉ là hai trong số hàng chục nghìn "Triệu phú nông dân" - Những điển hình nông dân làm giàu đang xuất hiện ngày càng nhiều trên quê hương Sơn La. Chính những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm cùng sự chịu khó tìm tòi, học hỏi đã giúp bà con nông dân xua đi đói nghèo, dựng xây cuộc sống ấm no, khấm khá. Tại những nơi chúng tôi có dịp đặt chân đến đều dễ dàng tìm gặp những người nông dân với các mô hình kinh tế cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến nhiều tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu như gia đình ông Đặng Văn Thắm ở khu Vườn Đào 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu chăn nuôi 45 con bò sữa, với sản lượng trên 100 tấn sữa mỗi năm, thu nhập hơn 2 tỷ đồng; ông Sồng A Giống ở bản Suối Chèo B, xã Suối Bau, huyện Phù Yên biết dựa vào đồng cỏ tự nhiên để phát triển chăn nuôi đàn gia súc trâu, bò, ngựa, dê với thu nhập trên 600 triệu đồng/năm; hộ ông Phạm Văn Doanh ở bản Kéo Pịa, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai kinh doanh dịch vụ tổng hợp, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng; gia đình ông Lò Minh Văn ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng nhờ đầu tư trồng mận tam hoa xen canh cây cà phê và kết hợp với chăn nuôi lợn rừng; hộ ông Lò Văn Sai ở bản Lả Mương, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La nhờ đầu tư xây dựng 2 lò gạch công nghệ mới nên đã có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 28 lao động với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng...
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2015 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có hơn 27.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có trên 2.500 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trên 400 hộ đạt cấp trung ương. Bình quân thu nhập của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đạt từ 100 triệu đồng/năm đến 500 triệu đồng/năm; đặc biệt, có tới trên 80 hộ nông dân đạt thu nhập hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi còn thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tham gia sáng tập các tổ hợp tác, hợp tác xã qua đó góp phần tăng cường liên kết, mở rộng quy mô và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Sương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La phấn khởi cho biết, trên cơ sở sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh đã không chỉ phát triển ở vùng thấp mà còn lan tỏa đến các thôn, bản vùng cao; các vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều điển hình tiêu biểu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, La Ha, Dao, Xinh Mun, Kháng... Trong đó, vai trò "bà đỡ" của các cấp Hội Nông dân là đặc biệt quan trọng, bởi hơn ai hết, cán bộ Hội chính là những người gần gũi nông dân, hiểu rõ nông dân cần cái gì, thiếu cái gì. Trong giai đoạn 2010 - 2015, bên cạnh việc phối hợp tổ chức hàng nghìn lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng vạn lượt hội viên, Hội Nông dân các cấp ở tỉnh Sơn La còn luôn là "cầu nối" giúp nông dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi qua đó có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đến hết năm 2015, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện vay ủy thác cho trên 35.620 lượt hội viên với tổng dư nợ đạt khoảng 756,84 tỷ đồng. Hội Nông dân cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số vốn giải ngân đạt hơn 92,69 tỷ đồng.
Một mùa xuân mới đã về trên mảnh đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng. Thực tế những năm qua cho thấy, vượt lên đặc điểm khó khăn của một tỉnh miền núi, với tinh thần tự lực, sáng tạo, vượt khó vươn lên của người dân, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, phát huy những kết quả đó, tin tưởng Sơn La sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn những điển hình nông dân miền núi vượt khó làm giàu. Và chính những "Triệu phú nông dân" đó sẽ góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của kinh tế Sơn La trong tương lai không xa./.
Phan Anh