"Chìa khóa" nâng cao đời sống nông dân
10:03 - 19/02/2016
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song những năm qua, trên cơ sở từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Tuyên Quang đã có sự tăng trưởng khá nhanh. Đời sống của bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh cũng dần có những bước phát triển rõ rệt.

Thu hoạch mía ở xã Hào Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Từ những chủ trương đúng...

 

Điểm chung của sản xuất nông nghiệp của phần lớn các tỉnh miền núi là sản xuất nhỏ lẻ, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp và thiếu sản phẩm thế mạnh. Với quyết tâm phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngay từ năm 2010, Tuyên Quang đã tập trung nghiên cứu, phát triển ngành nông nghiệp với phương châm "Sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ". Theo đó, ngành Nông nghiệp trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thói quen sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn để tham mưu giúp Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương lãnh đạo hợp lý, trọng tâm là xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều quy mô phù hợp. 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Hoàng Yến chia sẻ: Chủ trương là vậy, song để xác định đúng các loại vật nuôi, cây trồng thế mạnh của từng địa bàn lại không hề đơn giản, bởi đòi hỏi đặt ra đối với những loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh là không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt mà còn phải có thị trường tiêu thụ và giúp tăng thu nhập cho người sản xuất. 

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay, qua 5 năm thực hiện, Tuyên Quang cơ bản đã hình thành và phát triển được một số vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như các vùng chuyên canh cam, chè, mía; trồng rừng và chăn nuôi bò sữa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt... Theo thống kê, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có hơn 8.500 ha chuyên canh chè; 11.600 ha sản xuất mía nguyên liệu; 130 nghìn ha rừng trồng; hơn 5.400 ha cam các loại và đàn bò sữa lên tới trên 3.000 con.

Song song với việc xác định và phát triển cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, Tuyên Quang còn đặc biệt chú trọng thực hiện chủ trương đẩy mạnh hợp tác giữa "các nhà" trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã có nhiều chính sách "mở cửa" cho các lực lượng, nhất là các doanh nghiệp cùng tham gia trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và sản xuất cũng được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả với vai trò của các nhà khoa học. 

Nhờ được tạo điều kiện về vốn đầu tư, thủ tục hành chính... nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đến nay, Tuyên Quang đã và đang duy trì 04 vùng chuyên canh hàng hóa có sự liên kết, tham gia của các doanh nghiệp, hình thành "chuỗi giá trị" trong sản xuất và chế biến. Đó là những vùng chuyên canh chè, mía, gỗ rừng trồng và chăn nuôi bò sữa. Ở quy mô nhỏ hơn, ngành nông nghiệp cũng tích cực làm tốt vai trò "cầu nối" trong liên kết sản xuất, gắn người nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều mô hình liên kết như: Sản xuất lúa chất lượng cao, trồng ngô bao tử, ngô lai cao sản... đã mang lại giá trị kinh tế cho cả doanh nghiệp và bà con nông dân; giúp người sản xuất tăng thu nhập, phát triển đời sống.

...đến những hiệu quả thiết thực

Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến thăm vườn cam chất lượng cao của gia đình chị Ma Thị Loan ở thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang).

Là hộ gia đình đi tiên phong trong liên kết sản xuất cam, đến nay, gần 2 ha cam sành chất lượng cao của gia đình chị Loan đang ở vào thời kỳ cho năng suất cao. Vừa cắt những miếng cam mọng nước mời khách, chị Loan vừa chia sẻ: "Nhờ liên kết với doanh nghiệp nên đầu ra của cam sành rất ổn định. Việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây cam cũng do nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp đảm nhiệm. Tính ra, mỗi năm gia đình tôi cũng thu về trên một tỷ đồng từ sản xuất cam sành chất lượng cao". Được biết, riêng huyện Hàm Yên đã có khoảng 4.880 ha sản xuất canh cam. Vụ cam năm 2015, năng suất cam ở Hàm yên ước đạt 135 tạ/ha; sản lượng đạt trên 43.500 tấn cam các loại. Trong đó, liên kết sản xuất cam theo hướng hàng hóa đã giúp hàng trăm hộ nông dân ở Hàm Yên vươn lên làm giàu và trở thành những "triệu phú vùng cao".

Được coi là "vựa mía" của tỉnh Tuyên Quang, nhiều năm nay, cây mía đã trở thành "cây làm giàu" của người nông dân huyện Sơn Dương. Nếu như cách đây vài năm, việc sản xuất giống mía truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn thì hiện nay, với việc ký kết hợp đồng ngay từ đầu vụ, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương đã cùng người nông dân đưa vào sản xuất nhiều giống mía có năng suất cao như: QD 21, QD 15, Viên Lâm 6, Roc 22... Nhờ vậy, năng suất mía cây trung bình đã đạt trên 50 tấn/ha. Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương - ông Lê Hồng Quang vui vẻ chia sẻ: Năm 2015, có 2.400/3.500 ha mía của huyện sử dụng các giống mía chất lượng cao, chiếm hơn 68%; tổng sản lượng mía của huyện đạt trên 180 nghìn tấn. Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, diện tích mía nguyên liệu của Tuyên Quang là khoảng 13.570 ha với sản lượng mía cây đạt trên 818 nghìn tấn.

Bên cạnh trồng trọt, hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa ở Tuyên Quang cũng được quan tâm đầu tư phát triển, góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn với hàng trăm lợn nái ngoại, 300 - 500 lợn thịt/lứa; nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô 3.000 - 4.000 con... Tỉnh Tuyên Quang hiện cũng có trên 11.260 ha nuôi thả cá; sản lượng khai thác thủy sản năm 2015 đạt trên 7.000 tấn; giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 12,98%/năm, trong giai đoạn 2011 - 2015.

Có thể thấy, hiệu quả từ chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đã có vai trò quan trọng trong tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người nông dân. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 34,83% năm 2011 xuống còn dưới 10% năm 2015.

Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đồng thời, tăng cường các chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết tốt đầu ra cho các loại mặt hàng nông sản thế mạnh./.

Tạ Quang Đạo
Nguồn: ĐCSVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo