"Đúng là không triển khai thực hiện rất khó định liệu chính sách đúng hay sai, bởi thực tiễn luôn vận động. Nhưng tôi cho rằng mọi quyết sách cần phải có tầm" - TS Đinh Thế Phong chia sẻ.
“Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách nông nghiệp, nông thôn. Có thể chia thành 2 loại chính sách dựa theo tiêu chí “cởi trói” và “thúc đẩy”. Mọi chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì mục tiêu phát triển, nhưng có đạt được mục tiêu này hay không còn tùy thuộc vào sự đúng đắn và kịp thời của chính sách”, TS Đinh Thế Phong (ảnh), chuyên gia kinh tế đến từ Bộ KH-CN, nhận xét.
Nhiều chính sách mang nặng tính “xử lý tình huống”
Báo NNVN vừa đăng tải loạt bài liên quan đến những chính sách dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng rất khó thực thi. Nhìn nhận của ông về những chính sách này thế nào?
Trong hơn 20 năm đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách nông nghiệp, nông thôn.
Có thể chia thành 2 loại chính sách dựa theo tiêu chí “cởi trói” và “thúc đẩy” để chuyển từ nền kinh tế nhà nước hóa, bao cấp, kế hoạch hóa tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường trong nông nghiệp, nông thôn, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì mục tiêu phát triển, nhưng có đạt được mục tiêu này hay không còn tùy thuộc vào sự đúng đắn và kịp thời của chính sách.
Những chính sách mang tính “cởi trói” đương nhiên đi vào cuộc sống một cách tự nhiên nhất, nhanh nhất, được thực thi đầy đủ nhất, hiệu quả nhất, ngay cả khi mới chỉ là văn bản của Đảng, chưa được Nhà nước thể chế hóa thành luật pháp.
Còn những chính sách theo kiểu bị động, chạy theo sau thực tế, hoặc máy móc rập khuôn thì khó có thể thực thi.
Là nhà nghiên cứu, theo ông, nguyên nhân từ đâu có tình trạng này?
Tôi cho rằng đó là khâu đánh giá, tổng kết từ thực tiễn quá kém. Sau một thời gian ban hành và thực thi một chính sách nào đó, kể cả Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988) về đổi mới quản lý nông nghiệp, chúng ta cũng chưa tổ chức việc đánh giá độc lập do các chuyên gia thực hiện để xác định tác động và hiệu quả của chính sách, mức độ đạt mục tiêu đã đề ra, các tác động tiêu cực và nguyên nhân của nó, sự không còn phù hợp của chính sách so với thực tiễn KT-XH đang phát triển, trên cơ sở đó, chỉnh sửa hay ban hành chính sách mới, thay thế chính sách cũ lỗi thời; chấn chỉnh việc thực thi nếu chính sách đúng, phù hợp nhưng không được thi hành nghiêm chỉnh do bộ máy công quyền và công chức thiếu năng lực và trách nhiệm, hay bị các nhóm lợi ích cục bộ chi phối.
Chắc vẫn phải còn những nguyên nhân khác ngoài việc đánh giá hiệu quả chính sách, thưa ông?
Theo tôi, một số chính sách ban hành theo kiểu mệnh lệnh hành chính, hoặc không sát thực tế. Rất hiếm các chính sách được ban hành dựa trên kết quả nghiên cứu của một đề tài khoa học.
Mặc dù trong thời gian qua, rất nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được thực hiện, nghiệm thu, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Không ít khi chính sách của bộ máy công quyền và thực tiễn cuộc sống là “2 đường thẳng song song”.
Việc nghiên cứu khoa học về KT-XH nông thôn, về nông nghiệp, nông dân chưa được coi là một khâu bắt buộc trong quá trình ban hành chính sách. Chỉ đến khi những vấn đề nông dân, nông nghiệp nông thôn nảy sinh bức xúc, các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng gay gắt, các nhà hoạch định chính sách mới vào cuộc và ban hành các chính sách nên còn bị động.
Vận hành theo “nguyên lý Trạng Quỳnh”
Việc người dân phải làm đến hơn chục loại giấy tờ, thủ tục để lĩnh 18 nghìn đồng/sào tiền hỗ trợ đất lúa, hay hàng loạt các quy định “trên giời” để vay tiền đóng tàu vỏ sắt… có lẽ cũng là hệ quả của chính sách không đi liền với thực tiễn. Ông nghĩ sao?
Tôi còn nhớ, khi đưa ra chính sách miễn thủy lợi phí, các nhà hoạch định chính sách tin rằng, việc này sẽ làm cho nông dân bớt được một khoản đầu vào của nông sản.
Tuy nhiên, thực tế phổ biến là nông dân vẫn không được miễn khoản thu này, vì khi không phải trả thủy lợi phí, nông dân phải xin công ty thủy nông tưới và tiêu nước. Công ty thủy nông phải xin cơ quan tài chính cấp vốn hoạt động, mà vốn thường cấp vừa thiếu vừa không kịp thời do định mức thấp, bộ máy quan liêu, thiếu trách nhiệm, do cơ chế quản lý tài chính công được thiết kế và vận hành kiểu “nguyên lý Trạng Quỳnh”.
Khi đó, người nông dân phải “biết điều” đưa phong bì cho người có trách nhiệm của công ty thủy nông, nhất là lúc mùa vụ, ruộng nào cũng cần tưới, lúc úng lụt, ruộng nào cũng cần tiêu nước; còn công ty thủy nông cũng phải “biết điều” với cơ quan tài chính để nhận được vốn kịp thời.
Trong điều kiện luôn mất cân bằng thu - chi và bội chi ngân sách, lạm phát như hiện nay, việc cấp vốn cho công ty thủy nông lại càng khó khăn. Công ty thủy nông sẽ không có vốn để tu bổ nạo vét kênh mương, sửa chữa máy bơm, trả tiền điện…
Nhiều chính sách đối với khu vực nông thôn hiện nay cũng tương tự như chính sách miễn thủy lợi phí, và đương nhiên, thực tế nó cũng sẽ vận hành theo “nguyên lý Trạng Quỳnh”.
Vậy nên hỗ trợ kiểu gì cho nông dân, thưa ông?
Người ta chỉ nên miễn giảm các khoản đóng góp của nông dân từ thu nhập – đầu ra của quá trình SX, để vừa nâng cao mức sống cho họ, vừa bảo đảm sự công bằng giữa cư dân nông thôn và thị dân, như các khoản đóng góp xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, hệ thống truyền tải điện đến từng nhà, quỹ bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai…
Còn các chi phí thuộc đầu vào của quá trình SX, như tiền mua giống, phân bón, dịch vụ tưới - tiêu nước… người SX phải đầu tư, mới không làm méo mó thị trường theo quy định của WTO.
Mặt khác, phải bỏ tiền mua vật tư, dịch vụ đầu vào, người SX mới tiết kiệm sử dụng, người cung ứng mới có trách nhiệm và điều kiện tài chính thực hiện theo yêu cầu của khách hàng, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.
Đừng đưa ra chính sách một cách máy móc
Thưa ông, trước khi quyết định một chính sách, chương trình lớn chúng ta đều tham khảo học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài. Như vậy là có tính toán rất kỹ. Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa tạo ra mô hình chuẩn?
Mô hình, đường hướng phát triển nông nghiệp trên thế giới thì nhiều lắm. Tôi ví dụ: Nhật Bản là một nước công nghiệp, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, vậy mà một năm vẫn phải nhập siêu hàng hóa nông nghiệp tới hàng chục tỷ USD, còn Hà Lan là quốc gia giàu có, cũng có nền công nghiệp hiện đại, với 16 triệu dân lại xuất siêu hàng hóa sản phẩm nông nghiệp trị giá mỗi năm hơn 20 tỷ USD.
Hai đường lối, tư duy phát triển KT-XH, hai chính sách phát triển nông nghiệp khác nhau, đẻ ra nền nông nghiệp khác nhau. Ta học được gì ở các nước đó? Khó học lắm, xuất phát điểm của ta thấp, văn hóa tiểu nông đè nặng, kìm hãm không thể tạo đột phá lớn.
Bây giờ nhìn lại tôi thấy, nhiều dự án chưa đủ độ chín, chưa phản biện rõ ràng, không nên đem ra cổ súy đại trà, nếu không sẽ mắc sai lầm ảnh hưởng lớn đến KT-XH nông thôn.
Nhiều chính sách chúng ta đặt ra tưởng là giúp nông dân, thương nông dân, nhưng nếu không tính toán kỹ thì khó có thể đi vào cuộc sống, giống như chính sách hỗ trợ đất lúa mà báo đã phản ánh.
Nhưng không làm, không đưa ra chính sách, khó mà biết được chính sách đấy có đi vào cuộc sống hay không, thưa ông?
Đúng là không triển khai thực hiện rất khó định liệu chính sách đúng hay sai, bởi thực tiễn luôn vận động. Nhưng tôi cho rằng mọi quyết sách cần phải có tầm.
Tầm nhìn lâu dài, không chỉ đến 2020 mà còn xuyên suốt cả trăm năm. Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản là những khảo nghiệm tốt để ta học hỏi những gì có thể áp dụng phù hợp với ta hiện nay, nhưng không phải là tất cả. Hãy chuẩn bị cho mình hành trang xuyên thế kỷ, từng lộ trình một, không vội vã cắt khúc nếu không anh tự tạo sức ép cho chính anh.